‘Đổ móng’ chu kỳ bất động sản mới bằng các dự án tỷ USD

Dự án đô thị mới Phước Vĩnh Tây (Long An) do liên danh CTCP Vinhomes và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) đăng ký đầu tư đã mở màn ấn tượng cho thị trường địa ốc Long An năm 2024. Việc các đại gia địa ốc “đổ móng” hàng loạt tại Long An đã thể hiện một cách mạnh mẽ về niềm tin rằng thị trường địa ốc đã sẵn sàng cho một chu kỳ mới với cách làm mới – sản phẩm mới.

Ấn tượng hàng loạt đại gia đổ vốn tỷ USD vào Long An

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, dự án khu đô thị (KĐT) mới Phước Vĩnh Tây có tiến độ thực hiện 7 năm, tổng mức đầu tư khoảng 90.757 tỷ đồng, chi phí thực hiện dự án là 80.079 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư là 10.678 tỷ đồng.

Dự án có diện tích khoảng 1.090ha, quy mô dân số khoảng 89.960 người, sẽ có các sản phẩm nhà ở thương mại, bao gồm khoảng 7.050 căn nhà ở liền kề, khoảng 8.194 biệt thự được xây dựng và bàn giao thô. Cùng với đó là khoảng 13.440 căn hộ chung cư nhà ở xã hội và 2370 căn hộ ở thấp tầng là nhà ở tái định cư.

Trước đó, vào tháng 10/2023, UBND tỉnh Long An cũng đã quyết định chấp thuận CTCP Phát triển Thành Phố Xanh (công ty con của Vinhomes) là nhà đầu tư thực hiện dự án KĐT mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa, với diện tích hơn 197ha, tổng mức đầu tư khoảng 28.258 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), bao gồm các biệt thự, nhà liền kề, đất nền tái định cư, nhà ở xã hội và công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dân số dự kiến khoảng 40.000 người.

Theo giới đầu tư, nằm giáp ranh TP. HCM, Long An được xem là dấu gạch nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ, đang bứt phá trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quan trọng hơn cả, Long An vẫn là “vùng trũng” về giá BĐS nếu so với TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, nên là tâm điểm thu hút hàng loạt đại gia ngành địa ốc.

Còn nhớ vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Long An đã có quyết định phê duyệt liên danh CTCP Đầu tư Tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa – CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh – CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án KĐT tại phường 4 và phường 6, TP. Tân An có quy mô hơn 137ha, tổng chi phí thực hiện hơn 7.118 tỷ đồng, riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 17.225 người.

Được biết, UBND tỉnh Long An cũng đã có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện KĐT sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Theo đó, liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và CTCP Tập đoàn Ecopark được đánh giá đủ điều kiện thực hiện dự án. KĐT Thanh Phú dự kiến có quy mô dân số hơn 37.000 người với tổng diện tích 220ha. Dự án có tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.

Còn theo kết quả mở hồ sơ đăng ký đầu tư dự án khu dân cư Thanh Phú – Tân Bửu tại huyện Bến Lức hồi cuối năm 2023, nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện là liên danh CTCP Hồng Việt – Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư BĐS Thăng Long. Khu dân cư Thanh Phú – Tân Bửu tại huyện Bến Lức có quy mô gần 144ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.163 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư diễn ra vào cuối năm 2023, tỉnh Long An đã ký văn bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup ký bản ghi nhớ đầu tư các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Tập đoàn BIM Group ký biên bản ghi nhớ để nghiên cứu đầu tư phát triển lĩnh vực BĐS, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thực phẩm tại Long An. Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ với tiêu chuẩn quốc tế…

“Đổ móng” cho một chu kỳ mới

Theo bà Trương Mỹ Uyên, giám đốc phát triển dự án của một quỹ đầu tư BĐS tại TP. HCM, động thái hàng loạt nhà đầu tư khởi động các dự án tỷ USD trong những ngày đầu năm mới cho thấy, thị trường địa ốc đã đi đến cuối chu kỳ suy giảm và thời điểm bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới đã đến.

“Quan sát từ các dự án có số vốn lớn, phát triển quy mô, dài hạn, tại các đô thị vệ tinh của TP. HCM, chúng ta có thể nhận thấy, nhà đầu tư đã nắm bắt nhanh nhạy cách mà thị trường sẽ tăng trưởng theo vận hội mới, xu hướng mới”, bà Mỹ Uyên nhận xét.

Theo bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield, có 2 yếu tố xuất hiện trong chu kỳ tăng trưởng mới mà nhà đầu tư đã đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, thị trường sẽ chứng kiến xu hướng mở rộng sang các khu vực lân cận trong bán kính 10-30 km với tốc độ mạnh mẽ hơn. Thứ hai, các nhà phát triển dự án sẽ định vị, chất xúc tác để thúc đẩy ngành BĐS phát triển vẫn là dòng vốn FDI, đây được xem là thỏi nam châm thu hút lao động, chuyên gia, tham gia vào thị trường.

“Theo dự đoán đến năm 2032 của Cushman & Wakefield, GDP Việt Nam sẽ gần gấp đôi Thái Lan năm 2022 nhưng diện tích BĐS trong lĩnh vực văn phòng, nhà ở hay bán lẻ cung cấp ra thị trường vẫn thua Thái Lan, điều này hàm ý tiềm năng tăng trưởng rất lớn”, bà Trang Bùi cho hay.

Chia sẻ tại hội thảo “Tương lai thanh khoản”, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết phân khúc nhà ở, cụ thể là các KĐT lớn, KĐT vệ tinh thu hút FDI vẫn là lựa chọn yêu thích của các chủ đầu tư trong và ngoài nước vì thời gian hòa vốn nhanh hơn các nhóm khác. “Tỷ suất sinh lời 10% thì văn phòng, khách sạn mất đến 10 năm để hoàn vốn trong khi dự án nhà ở có thể chỉ cần 3-4 năm”, vị TS này cho hay.

Còn theo bà Trương Mỹ Uyên thì trong chu kỳ tăng trưởng mới, sản phẩm BĐS cũng sẽ thay đổi khi khái niệm Placemaking (định vị không gian sống) sẽ được chú trọng nhiều hơn. “Trước đây, các công ty BĐS hoạt động theo công thức một chiều là đưa các dự án xây theo định vị công ty ra cộng đồng thì nay sẽ ngược lại. Các nhà đầu tư sẽ hướng đến yếu tố cộng đồng đầu tiên để thiết kế khu vực sống. Ví dụ, nếu khu vực đó hướng đến khách hàng là chuyên gia cao cấp, trí thức làm việc tại các khu công nghiệp, ở khu đô thị vệ tinh thì không gian sống sẽ được thiết kế thoáng, rộng, phủ xanh nhiều, tiện ích cao cấp phù hợp với sinh hoạt của nhóm này. Xu hướng này không mới ở quốc tế nhưng sẽ dần rõ nét ở Việt Nam trong thời gian tới”, bà Mỹ Uyên nói.

Các dự án tỷ USD mà điển hình là ở Long An đang cho thấy, trong giai đoạn tăng trưởng mới của chu kỳ BĐS, các chủ đầu tư đã có cách tiếp cận khác cả về sản phẩm lẫn cấu trúc nguồn vốn bền vững hơn. “Sau mỗi chu kỳ suy giảm của thị trường, các doanh nghiệp trụ lại là những người làm sản phẩm cung cấp giá trị thực và có tiềm lực tài chính, giàu kinh nghiệm. Chắn chắn, người mua nhà sẽ tin tưởng trở lại với thị trường địa ốc trong giai đoạn mới”, TS Sử Ngọc Khương khẳng định.

Theo Đầu Tư Tài Chính