Đổ tiền lấy chứng chỉ IELTS từ sớm: Được ‘tô hồng’ nên phụ huynh bị đánh lừa?

Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng, IELTS chỉ là một chứng chỉ để đánh giá năng lực ngoại ngữ bản thân chứ không là tất cả. Hiện nay, việc ôn luyện và thi chứng chỉ IELTS đang được tô hồng và trở nên méo mó vì chiêu trò của nhiều trung tâm.

Nở rộ lò luyện IELTS

“Vài chục triệu mua được 7.0- 8,0 IELTS”- lời chào bán đáp án công khai trên mạng xã hội như Tiktok. Muốn giao dịch, phải nhắn tin qua một ứng dụng giúp người bán bảo mật thông tin. Không chỉ cam kết, người bán còn chuẩn bị sẵn và gửi tài liệu nêu rõ các gói cung cấp đáp án.

Cụ thể: 5 triệu đến 50 triệu cho đáp án đúng của bài Nghe, Nói, Viết cùng thời gian nhận tài liệu tăng dần theo số tiền. Muốn mua thì phải tin, muốn tin thì đồng nghĩa phải chuyển khoản trước 50% mà không có bất kì một cam kết về giao dịch.

Nếu bình thường, học viên “nhúng” trong môi trường tiếng anh, để để đạt 6,5 IELTS, cần tập trung học cật lực cũng vài tháng đến 1 năm. Đánh trúngtâm lý cần điểm cao, không phải học nhiều, “người mua” chỉ cần trả tiền triệu sẽnhận đáp án trong vòng chưa đầy 1 ngày. Thị trường cung cấp đáp án trước ngày thi IELTS nhan nhản. Không giao dịch trực tiếp, gửi đề thi và đáp án qua gmail hoặc tin nhắn, tất cả được thực hiện trên không gian mạng. Thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro, không ít người đã bị lừa đảo.

Chị Nguyễn Thùy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị từng ngó thị trường mua đề IELTS trước khi đi vì con chị chỉ có 6 tháng ôn thi và cũng định “tặc lưỡi” xuống tay chi tiền.

Tuy nhiên, muốn mua thì phải chuyển khoản ngay nên chị Linh cũng lăn tăn vì trước khi chuyển tiền đặt cọc chị gọi điện xác nhận không được. Cuối cùng, chị cho con tự thi bằng sức mình vì không có bất cứ một giấy tờ gì đảm bảo.

Không quá khó để tìm đến những trang, hội nhóm chào bán công khai đề thi trên mạng xã hội. Một nhóm có tên B.V, chỉ sau một năm được thành lập đã có tới hơn 37.000 thành viên, đủ để thấy độ “nóng’ của chứng chỉ này. Hội nhóm đưa ra những quy tắc riêng, với quy tắc đầu tiên của nhóm đưa ra: “Bạn lo lắng do key tràn lan thật giả. Review giá bán đề thi IELTS theo ngày sẽ giúp hỗ trợ bạn tham khảo giá bán key uy tín, nhanh gọn. 097887….”.

Tuy nhiên, theo nhiều sinh viên đã sở hữu chứng chỉ này chia sẻ, không nên tin vào những lời quảng cáo tràn lan trên mạng mà “tiền mất tật mang”.

Điểm IELTS cao, có tác dụng nhiều?

Trong cơn “cuồng” chứng chỉ IELTS bằng mọi giá, chính nhiều du học sinh Việt Nam, những người trực tiếp cần chứng chỉ này để nộp hồ sơ ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cho rằng, điểm cao khi thi chứng chỉ IELTS không hẳn có tác dụng quá nhiều trong quá trình học, thậm chí chỉ là điều kiện rất nhỏ.

Em Nguyễn Ngọc Quỳnh, hiện đang học tại Drexel University ở Philadelphth, Mỹ cho rằng, IELTS chỉ là một chứng chỉ để đánh giá năng lực ngoại ngữ bản thân và không hẳn có tác dụng trong quá trình học tập.

Là sinh viên năm thứ ba của trường ĐH Kinh tế quốc dân, em Nguyễn Lan Anh cho rằng, chưa bao giờ việc ôn luyện lấy chứng chỉ IELTS lại dễ dàng như vậy khi các trung tâm trăm hoa đua nở. Ngoài kiến thức cho các học viên, các trung tâm đều dạy “mẹo”, chiến thuật để làm bài thi này đạt điểm cao.

Tuy nhiên, chính cách học chỉ để lấy điểm đã khiến cho việc học tiếng anh của bản thân các em không thực chất. Ngay sau khi vào đại học, nhiều bạn bè của Lan Anh dù chứng chỉ này đều đạt khá cao từ 6.5-7.0 thì phần nhiều đều bị học lại sau bài thi kiểm tra ở trường.

Em Lê Vũ Anh Thư, cựu du học sinh tại Úc chia sẻ, phụ huynh cũng như học sinh chỉ nên xác định, dùng IELTS như một công cụ học tập, không phải là yếu tố bắt buộc vì IELTS sử dụng những từ ngữ chuyên môn hơn, sử dụng nhiều học thuật hơn.

Thư nói rằng, nhìn thấy các em học sinh ôn thi IELTS mất hàng trăm triệu, bỏ hết các môn học khác để mong có một tấm chứng chỉ là khá lãng phí thời gian và tiền bạc. IELTS chỉ có giá trị 2 năm, cũng như tiếng Anh IELTS rất khác so với tiếng anh học thuật và tiếng Anh trong đời sống. Em thấy IELTS không giúp cho việc chuẩn bị hồ sơ du học hay học Đại học ở nước ngoài dễ dàng hơn.

Từ kinh nghiệm bản thân, Thư thấy khi đi du học hay đi làm, cái cần đầu tư là trải nghiệm, học về văn hoá, xã hội, cách tự lập tự chủ. Các bạn chỉ biết nâng trình độ IELTS, không biết nói tiếng Anh thường nhật, không biết hoà nhập văn hoá ở nơi mình sinh sống. Đây là điều làm nhiều du học sinh bị sốc văn hoá khi ở nước ngoài.

Thậm chí, theo Thư, đôi khi các giáo sư đại học còn trừ điểm những bài có các “ngôn ngữ IELTS”. Vậy là việc học IELTS lại vô tình làm cuộc sống du học khó khăn hơn. Nhiều bạn IELTS cao do luyện thi, nhưng lại “rỗng” kiến thức thực tế, xã hội, khả năng tự học, dẫn đến trượt môn khi đi du học, dễ nản chí.

“Em cảm thấy phụ huynh đang bị đánh lừa bởi các phương thức marketing của các trung tâm Tiếng Anh. Người ta tô hồng tấm bằng IELTS lên, như cánh cửa dẫn đến những trường Đại học nổi tiếng, vinh danh những người được điểm IELTS cao. Nhiều trung tâm chia sẻ những người nổi tiếng đổi đời nhờ tiếng Anh, nhưng thực chất đó là ngoại ngữ mỗi người nên có, chứ không phải là tấm bằng IELTS”- Anh Thư nêu quan điểm.

Theo báo Tiền Phong