Trong bối cảnh kinh tế có sự phục hồi, nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao và kỳ vọng bứt phá khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần.
Tăng trưởng nhanh sau dịch
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng với lợi nhuận sau thuế đạt 1.340 tỷ đồng. Theo đó, PNJ đã xuất sắc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 chỉ sau 9 tháng. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ có sự phục hồi trong quý 3, đang dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng khá tốt, PNJ ghi nhận doanh thu thuần quý 3 năm 2022 đạt 7.364 tỷ đồng (tăng 739,7% so với cùng kỳ) và Lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng so với mức -160 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 do đóng cửa 241/332 cửa hàng nhằm tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 25.574 tỷ đồng (tăng 104,4% so với cùng kỳ) và 1.340 tỷ đồng (tăng 132,7% so với cùng kỳ).
Giải thích cho kết quả tài chính trên, đại diện PNJ cho biết doanh thu của công ty chủ yếu đến từ kênh bán lẻ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu PNJ tăng 113,3% so với cùng kỳ nhờ vào sự tăng trưởng tốt ở các nhãn hàng và khu vực; hoạt động khai thác khách hàng đạt hiệu quả cao; các chương trình marketing trong quý 3 được triển khai linh hoạt phù hợp với bối cảnh thị trường và thị hiếu khách hàng.
Tương tự, theo công bố mới đây của Tập đoàn Masan cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, mặc dù khó khăn bủa vây, nhưng doanh thu thuần của Masan vẫn đạt 55.546 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát ở mảng kinh doanh chính đạt 2.105 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Dựa trên kết quả hoạt động trong 9 tháng qua và đà tăng hiện tại, năm 2022 Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 – 80.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 – 5.500 tỷ đồng. Mức ước tính này thấp hơn so với mục tiêu đề ra vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, Masan vẫn đạt mức tăng trưởng vững chắc khi chuẩn hóa mức nền cao của năm 2021. Tới thời điểm này, Masan đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc và không ngừng đổi mới để phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm vượt trội.
Kỳ vọng “bùng nổ” mua sắm dịp cuối năm
Báo cáo ”Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt” của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company Việt Nam chỉ rõ, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 – 40% doanh số cả năm. Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ thường đầu tư lớn nhằm tạo ra sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong cuộc đua với những đối thủ cùng ngành.
Để kịp đưa hàng hóa tiêu thụ dịp cuối năm, một số dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã bắt đầu chạy sản lượng; các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống sẽ luân phiên được giảm giá đến 25%. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ quý III/2022 doanh nghiệp đã chuẩn bị ngân sách khoảng 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết Quý Mão 2023, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên liệu sản xuất được chuẩn bị bao gồm 2.000 tấn thực phẩm tươi sống và 4.200 tấn thực phẩm chế biến.
Đón mùa mua sắm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc chuyển mình với những sản phẩm mới đưa ra thị trường. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm nước tăng lực cà phê dành riêng cho thị trường Tết. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nguyên vật liệu đầu vào tăng, kéo giá thành sản phẩm tăng theo, trong khi thu nhập của người tiêu dùng giảm dẫn đến sức mua không tốt như kỳ vọng… nhưng doanh nghiệp cũng cố gắng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Mùa Tết là thời điểm thích hợp nhất để tung sản phẩm mới, vừa đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng vừa dễ tạo doanh thu.
Ngoài các doanh nghiệp sản xuất, ngay từ bây giờ, các siêu thị lớn nhỏ trên cả nước đều đang rục rịch chuẩn bị hàng hóa để đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và không tăng giá trong dịp cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Hiện hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ hàng hóa lên 30 – 50% tùy từng nhóm hàng. Các hệ thống phân phối lớn khác như Central, MM Mega Market, Aeon, Lotte Mart, Winmart, Emart… hầu hết cũng tăng sản lượng từ 20 – 30% so với Tết 2022 và chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, dồi dào, đồng thời sẽ có nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%). |
Theo HQ Online