Theo các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ và đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược mới phù hợp với tình hình hiện nay.
Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Đặc biệt, thị trường bán lẻ trong những tháng cuối năm ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc khi mà nền kinh tế đang có sự phục hồi và phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9%.
Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua và đang tích cực chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng.
Rõ ràng, cùng với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, ngành bán lẻ Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài cũng tích cực nắm bắt cơ hội tăng quy mô và mở rộng thị phần. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh việc thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Ông Olivier Langlet, Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ, thị trường bán lẻ của Việt Nam rất tiềm năng và thu hút rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, tạo nên sự cạnh tranh cao. Trong 10 năm qua, Central Retail tại Việt Nam và chuỗi siêu thị GO! đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng quy mô và trở thành doanh nghiệp bán lẻ uy tín bậc nhất Việt Nam. Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam – với hệ thống phân phối GO! Big C, Tops Market… đã vinh dự năm thứ 2 liên tiếp được Ban tổ chức vinh danh xếp vị trí quán quân Top 10 Công ty uy tín ngành bán lẻ năm 2022. Central Retail rất tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong thời gian tới đây, tập đoàn sẽ không ngừng cải thiện nâng cấp chất lượng dịch vụ, đồng thời phát triển mở rộng thêm các Trung tâm thương mại và đại siêu thị mới để có thể đáp ứng lại sự tin dùng của khách hàng. Trong 5 năm tới, Central Retail dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng đại siêu thị tại Việt Nam lên hơn 70.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng đổi mới, tận dụng lợi thế sân nhà để phát triển, nắm giữ vững chắc thị phần. Có thể kể đến như Vingroup (Vinmart và Vinmart+), Masan group (mua lại Vinmart và Vinmart+ của Vingroup rồi đổi tên thành Winmart và Winmart+), Thế Giới Di Động (Bách hóa xanh)…
Thế Giới Di Động với việc phát triển nhanh về số lượng các cửa hàng trên khắp các tỉnh thành đã trở thành doanh nghiệp chiếm đến 50% thị phần bán lẻ thiết bị di động tại Việt Nam. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho hay trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hành vi mua sắm cũng có những thay đổi. Do đó Thế Giới Di Động cũng đã có những chiến lược mới để giữ vững thị phần. Cuối năm 2021, công ty chính thức khai chương hàng loạt chuỗi siêu thị TopZone. Đây được cho là mô hình mới giúp tăng doanh thu của doanh nghiệp. Tính đến hiện tại, TopZone đã đạt mốc 100 cửa hàng tại 35 tỉnh thành trên cả nước. Mỗi cửa hàng TopZone mang về doanh thu trung bình 6-8 tỷ đồng/tháng đối với mô hình AAR và 10-15 tỷ đồng/tháng đối với mô hình APR. Trong tương lai, TopZone có kế hoạch mở rộng lên 200 cửa hàng, trở thành đơn vị dẫn đầu về số lượng cửa hàng phân phối sản phẩm Apple chính hãng. Nếu kế hoạch thành hiện thực, cùng với TopZone, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) vào năm 2023, chiếm ít nhất 40% thị phần Apple tại Việt Nam.
Hay như Masan để tiếp tục khẳng định vị thế “Vua bán lẻ” tại thị trường trong nước, tập đoàn này đã liên tục khai trương các siêu thị, cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trong thời gian qua, bất chấp khó khăn của dịch Covid. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan cho biết, trong năm 2022, Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 – 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 – 5.500 tỷ đồng. WinCommerce của Masan hiện là nền tảng bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam với hơn 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích, có mặt tại 62 tỉnh thành. Năm 2022, WinCommerce đã tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ được mở mới. Đồng thời, ra mắt thành công hệ sinh thái WINLife, khai trương gần 100 cửa hàng WIN, thu hút hơn 500.000 khách hàng tham gia chương trình hội viên WIN tính đến tháng 11/2022. Tiếp đà phát triển, trong năm 2023, Masan dự kiến mở mới hơn 1500 điểm bán, đưa quy mô toàn chuỗi chạm mốc 5000 siêu thị và cửa hàng, có mặt tại 63 tỉnh thành. Tới thời điểm này, Masan đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc và chúng tôi không ngừng đổi mới để phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm vượt trội. Với các kết quả thành công ban đầu, có thể thấy rằng WIN chính là mô hình bán lẻ ưu việt và sẵn sàng để mở rộng quy mô.
Có thể thấy, cuộc đua giành thị phần thị trường bán lẻ luôn luôn sôi động. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, ngành bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và được rất nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà. Đặc biệt xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam giai đoạn sau đại dịch có nhiều thay đổi. Trong thời gian tới các doanh nghiệp không chỉ mở rộng quy mô bao phủ mà cần phải đầu tư phát triển mô hình đa kênh để phù hợp với xu thế hiện nay.
Theo Thoibaonganhang