Ưu đãi lệ phí trước bạ 0% với xe điện sắp kết thúc. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần thêm các chính sách đủ mạnh để phát triển xe điện trong tương lai.
Doanh nghiệp làm xe điện ngóng chính sách
Cách đây 3 năm, Tập đoàn Sơn Hà cho ra mắt mẫu xe máy điện “made in Việt Nam”, từng bước chuyển đổi định hướng sản xuất các sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, năng lượng sạch. Thời điểm đó, doanh nghiệp này ấp ủ sản xuất một sản phẩm xe điện khác cao cấp hơn, nhưng chưa thực hiện được do “ngóng chính sách”.
Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà – cho biết, hơn 20 năm trước, nền công nghiệp nước nhà phát triển thấp. Thời điểm đó, người Việt chuộng xe máy xăng của Nhật Bản, châu Âu.
Thấy được cơ hội này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã vào Việt Nam phát triển thị trường, biến Việt Nam thành thị trường vô cùng lớn về xe máy xăng (hơn 50 triệu xe máy xăng đang lưu hành hoàn toàn của các hãng xe nước ngoài sản xuất).
Theo ông Tân, hiện nay và trong tương lai, xe xăng sẽ không được ưa chuộng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn chưa có những chính sách ưu đãi quyết liệt với xe điện.
“Cá nhân tôi thấy rằng, hầu như chúng ta chưa có chính sách gì về xe điện, mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện.
Trong khi các quốc gia khác, họ có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đến cả 3 khu vực: Nhà sản xuất; áp dụng chính sách đầu tư công phục vụ phát triển xe điện, xây dựng hạ tầng, trạm sạc và hỗ trợ khách hàng, người tiêu dùng.
“Tôi lấy ví dụ, ở châu Âu, mỗi quốc gia sẽ có những chính sách ưu đãi khác nhau dành cho khách hàng, nhưng đâu đó, người mua ôtô điện sẽ được hỗ trợ từ 5.000 – 15.000 Euro.
Ở Hàn Quốc, mỗi người dân mua ôtô điện sẽ được hỗ trợ khoảng 8.000 USD. Chính sách ưu đãi từ Chính phủ cho thấy, việc bảo vệ môi trường cần phải làm ngay bây giờ, tạo thuận lợi ngay bây giờ, tại sao chúng ta vẫn chưa thực hiện” – ông Tân nói.
Ngành Giao thông Vận tải cũng đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hiện nay, các phương tiện sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông, khi người dân tại các thành phố lớn ngày càng ưa chuộng loại xe này. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2023, đã có hơn 20.000 ôtô điện được sử dụng trên khắp cả nước.
Cần chính sách ưu đãi đủ mạnh
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải – cho biết, những nỗ lực của Chính phủ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe điện nên tập trung hỗ trợ xây dựng trạm sạc.
“Ngoài những chính sách khuyến khích các nhà sản xuất xe điện, đặc biệt là các đơn vị trong nước, Chính phủ cần sớm có lộ trình dừng sản xuất, lưu hành các phương tiện dùng năng lượng hóa thạch. Khi đó, người dân cũng cần nhìn nhận được lợi ích sử dụng xe điện, từ đó quyết định sử dụng phương tiện cho tương lai” – bà Phương Hiền nói.
Để khuyến khích sản xuất, sử dụng xe ôtô điện, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương – đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô điện; tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu…
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước để giảm chi phí đầu tư – đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ – cho các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô điện có quy mô lớn.