Báo cáo kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19 với chủ đề kiên cường vượt sóng mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới phần lớn.
Số doanh nghiệp phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực tăng lên từ 87% trong năm 2020 lên 93,9% năm 2021. Khó khăn vẫn còn trong năm 2022-2023, thậm chí ảm đạm hơn. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa phát huy hiệu quả.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2022, cả nước có 263.444 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Còn theo điều tra PCI 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 22,2%.
Mặc dù theo cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh có sự cải thiện trong hai năm qua, song đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đã khiến tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị giảm doanh thu năm 2020 so với 2019 là cao hơn tỷ lệ doanh nghiệp do nam giới làm chủ, tương ứng là 67,2% và 65%. Hơn 2/3 (69,3%) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trả lời ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (6%) là có doanh thu tăng.
Điểm đáng chú ý mà ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Aus4Reform) chỉ ra là số doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc ở các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn doanh nghiệp do nam giới làm chủ, tương ứng là 89,6% so với 91,1%.
Nữ chủ doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc giữ chân người lao động. Họ đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó và ở tất cả các biện pháp đã triển khai, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tỷ lệ hoàn thành cao hơn doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
“Sự thích ứng và tính nhân văn trong văn hóa kinh doanh là dấu ấn rõ nét của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ so với bức tranh chung, và chủ đề của báo cáo là kiên cường vượt sóng cũng đúc kết từ những kết quả này”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Báo cáo cũng cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ảm đạm hơn, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm, tỷ lệ doanh nghiệp bị thua lỗ tăng: Năm 2020, chỉ 53,2% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tỷ lệ bị thua lỗ là 32,1%; năm 2021, con số này tương ứng là 42,7% và tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh lên mức 39,2%.
Mức độ lạc quan theo đó cũng sụt giảm mạnh nhất trong 10 năm điều tra PCI gần đây: Trong hai năm tới, 16,3% doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa – tỷ lệ cao nhất trong 10 năm trở lại đây; 52,5% muốn giữ nguyên, cố gắng duy trì kinh doanh với quy mô hiện tại.
Riêng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện nhóm nghiên cứu, bà Phan Minh Thủy cho biết cùng với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP, đã có chính sách riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp còn được quy định ở một số văn bản khác nên có sự chồng chéo, lúng túng khi áp dụng; mức độ hiểu biết về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khiêm tốn.
Theo báo cáo tình hình ba năm triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số 58 địa phương gửi báo cáo, mới có 10 địa phương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trên địa bàn. Chủ yếu các hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tích cực triển khai theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Theo báo cáo PCI 2021, đánh giá về triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh doanh nghiệp gắng sức duy trì hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chế định quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là giảm thuế nhưng đã 4 năm rồi vẫn chưa thể triển khai vì thiếu hướng dẫn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, khi đánh giá luật của ta với các nước trong khu vực thì thấy Việt Nam là nước tiên tiến với nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN đưa bình đẳng giới vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó xác định được khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, bà Minh nhấn mạnh nguyên nhân các doanh nghiệp chưa được thụ hưởng các chính sách là do vấn đề thực thi do hậu cần phải tăng cường năng lực thực thi. Tuy nhiên, phụ nữ cũng cần chủ động khai thác thông tin. VCCI và hiệp hội hỗ trợ thực thi, bộ/ngành làm chính sách, và để làm được điều này bà đề xuất cần có hành lang pháp lý để hiệp hội làm đúng chức năng của mình.
Đồng thuận với nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với các ưu tiên và biện pháp cụ thể, có sự tham gia của toàn xã hội và cần phải thể hiện bằng các chương trình hành động cụ thể, bà Minh cũng đề nghị lồng ghép trong chỉ số PCI yếu tố bình đẳng giới và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thành một tiêu chí đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp của địa phương.
Bà Minh chỉ ra nguyên nhân khiến chính sách không đến được với doanh nghiệp: “Nhiều chương trình không giải ngân được tới doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là vì không biết tên và không gọi đúng tên”. Từ đó, bà Minh đề xuất cần đưa khái niệm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vào Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Cũng tại báo cáo, bên cạnh hai nhóm đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi, xây dựng chiến lược riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhóm nghiên cứu còn đề xuất ba nhóm giải pháp khác đó là: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong trạng thái bình thường mới; hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Trong đó, đề nghị Chính phủ xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, cần cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải thiện ở những khía cạnh bất cập là: Cải cách hành chính, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, cải thiện điều kiện gia nhập thị trường, tăng cường công khai minh bạch, nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Thoibaonganhang