Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nỗ lực vươn mình ra “biển lớn”

Khi bước vào quá trình hội nhập, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng và đang nỗ đưa con thuyền doanh nghiệp bước vào “biển lớn”.

Doanh nhân Nguyễn Thị Hoài Trinh và công nhân kiểm tra sản phẩm cà phê tại vùng canh tác

Trong chia sẻ mới đây trước Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho biết, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Các doanh nhân nữ đã nỗ lực, bền bỉ hoạt động, phát huy tài năng trí tuệ trong phát triển kinh tế và cao hơn là xây dựng đội ngũ nữ doanh nhân đủ bản lĩnh, đủ khả năng và có trình độ để tiếp thu những cuộc cách mạng to lớn mà thế giới đã đạt được trên nền tảng phát triển bền vững.

Không chỉ kinh doanh, theo bà Thái Hương, trong những giai đoạn khó khăn, cộng đồng doanh nhân nữ cũng đã đồng hành với Đảng, Nhà nước và Chính phủ ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng cho an sinh xã hội… Trong những tháng ngày hậu Covid-19 còn nhiều khó khăn, không thành viên nào của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam phải dừng sản xuất, người lao động tại các doanh nghiệp được quan tâm hỗ trợ…

“Không chỉ trên thương trường, nữ doanh nhân vẫn luôn gìn giữ, phát huy, xây dựng hình ảnh người phụ nữ – người nữ doanh nhân Việt Nam thời đại mới, với thiên chức của người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong xây dựng gia đình, chăm sóc thế hệ trước và nuôi dạy thế hệ sau”, bà Thái Hương nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ đã tăng lên nhanh chóng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện cả nước có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa là phụ nữ, 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, nhiều doanh nhân nữ đã nỗ lực đổi mới quản trị kinh doanh, công nghệ… để đưa sản phẩm xuất khẩu, tạo dựng thương hiệu uy tín trên thị trường. Chẳng hạn, sản phẩm cà phê của Công ty TNHH G20 Coffee Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hoài Trinh làm lãnh đạo đã và đang ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hoài Trinh cho biết, nhờ nỗ lực tìm hiểu về các điều kiện để xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm, Công ty đã tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất, sử dụng thông tin sản phẩm có gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc…

Tương tự, bà Phan Thị Khánh, nhà sáng lập Công ty TNHH GreenJoy cho biết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ đã xuất khẩu khoảng 2-3 container mỗi tháng tới nhiều thị trường quốc tế. Đặc biệt, không chỉ hỗ trợ đưa sản phẩm thủ công của địa phương ra thế giới mà còn giúp người lao động với 70% là phụ nữ tại địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có công ăn việc làm, tăng thu nhập. Nêu hướng đi trong thời gian tới, theo bà Khánh, sẽ tiếp tục cải thiện sản xuất, đẩy mạnh quảng bá để tăng sản lượng và giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng một thực tế đáng buồn là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa phần đều ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng của các công ty lớn. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trường CIEM lý giải, nguyên nhân là do sức cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn yếu, đa phần làm các công việc có tay nghề thấp; thiếu nguồn vốn; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế… Hơn nữa, doanh nhân nữ phải gánh trên vai “trách nhiệm kép” vừa phát triển doanh nghiệp vừa chăm sóc gia đình, trong khi việc tiếp cận với các nguồn lực còn hạn chế.

Bà Nguyễn Kim Lan, Quản lý Chương trình Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ WRT, UN Women Việt Nam cho hay, nếu phụ nữ được bình đẳng trong nền kinh tế, GDP toàn cầu sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Do đó, hiện có nhiều chính sách của cơ quan quản lý ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chẳng hạn như Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/1/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam với mục tiêu đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Luật Đấu thầu 2023 quy định đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu gồm nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên… Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư… cũng có nhiều hỗ trợ ưu đãi cho đối tượng doanh nhân nữ. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, doanh nhân nữ cần sự trợ lực từ các cơ quan quản lý, đồng thời, bản thân doanh nhân nữ cũng phải chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển…

Theo Haiquanonline