Doanh nghiệp hồ hởi với những đơn hàng xuất khẩu từ đầu Xuân

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp trên toàn quốc đã nhanh chóng bắt tay vào công việc sản xuất, kinh doanh với khí thế khẩn trương, kỳ vọng vào một năm mới với những thành công mới vượt kế hoạch đề ra.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đều nỗ lực tìm kiếm và mở rộng đối tác xuất khẩu. Ảnh: H.Dịu

Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến giữa năm 2023

Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp và người lao động đều rất phấn khởi và hào hứng để bước vào năm mới với những lô hàng xuất khẩu đầy khả quan. Tại Công ty Cổ phần Dệt May Supertex, doanh nghiệp này đã ngay lập tức bước vào sản xuất để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu hơn 1 triệu sản phẩm bít tất sang Nhật Bản. Lãnh đạo công ty này chia sẻ, năm 2022, dù còn nhiều khó khoăn nhưng toàn thể Công ty vẫn quan tâm, chăm lo tốt cho đời sống người lao động, đồng thời đẩy mạnh kế hoạch tìm kiếm đơn hàng và đối tác để có nhiều đơn hàng xuất khẩu cho năm mới.

Tương tự, tại Tổng công ty May 10, năm 2023, May 10 dự kiến đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 120-130% so với năm 2022, tương đương với giá trị xuất khẩu đạt 5,5-6 triệu USD. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu mở rộng thị trường sang các đối tác, bạn hàng lớn khác tại châu Mỹ, châu Âu để đa dạng hóa thị trường, tăng doanh thu. Đồng thời, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết sẽ xây dựng các giải pháp về công nghệ, quản trị số đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định; xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ để phát triển bền vững; chủ động về nguồn nguyên phụ liệu…

Là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bánh kẹo Richy, năm 2023, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu khoảng 15-20% so với năm 2022, thu nhập người lao động tăng từ 7-10%. Công ty cũng đã nhận nhiều đơn hàng mới từ trước Tết nên hết kỳ nghỉ lễ là nhanh chóng quay trở lại sản xuất, đáp ứng tiến độ đơn hàng.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, để có thể trở lại “guồng quay” công việc ngay sau kỳ nghỉ dài ngày, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu từ trước Tết, đồng thời, lượng công nhân trở lại làm việc rất lớn nên giúp ổn định nhanh chóng sản xuất. Hơn nữa, do chủ động chiến lược tìm kiếm bạn hàng, nhiều doanh nghiệp phấn khởi cho biết đã có đơn hàng đến giữa năm 2023.

Tận dụng các động lực

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thì không ít doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn khó khăn khi có sự sụt giảm về số lượng đơn hàng và lượng hàng xuất khẩu tại nhiều mặt hàng chủ lực từ cuối năm 2022 và nhiều khả năng tiếp diễn trong năm 2023. Cùng với đó, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu như may mặc và da giày chưa được giải quyết triệt để vào năm 2022 cũng là một hạn chế cho xuất khẩu năm 2023. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm giờ làm, không tăng ca để giãn công việc, duy trì lao động.

Thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một phần do tháng 1 có kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhưng bên cạnh đó là do số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm % trong mức tăng chung.

Trước đó, trong báo cáo về kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2023 được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 12/2022 cho thấy, có 31,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2023 tốt hơn quý 4/2022; 37,3% doanh nghiệp cho rằng giữ ổn định và 31,2% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn. Đối với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 1/2023 so với quý 4/2022, có 24% doanh nghiệp dự báo tăng; 42,7% cho biết giữ nguyên và 33,3% doanh nghiệp dự báo giảm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều động lực để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2023. Trong đó, việc Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với trên 60 thị trường là điểm cộng quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan. Yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp để tận dụng được động lực này là phải nỗ lực cải thiện, nâng cao năng lực cũng như chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ các FTA thế hệ mới.

Trong chỉ thị mới đây về đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải khẩn trương tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế – xã hội, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; có giải pháp tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết FTA, nhất là các FTA thế hệ mới và các thị trường mới có tiềm năng.

Theo HQ Online