Doanh nghiệp ngành logistics đã phát triển lớn mạnh, kiên định duy trì “mạch máu” nền kinh tế, nâng sức cạnh tranh cho hàng hoá, nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Được xem là “huyết mạch” của thương mại, ngành logistics Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% mỗi năm đã đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên gần 700 tỷ USD.
9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Là nền kinh tế mở, logistics có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo xu thế của thế giới”.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), DĐDN có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA).
-Thưa ông, song hành cùng chặng đường gần 40 năm đổi mới của nền kinh tế đất nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp ngành logistics đã phát triển và lớn mạnh như thế nào?
Khởi đầu từ hơn 20 doanh nghiệp nhà nước từ đầu những năm 90, đến nay ngành logistics đã phát triển vươn mình mạnh mẽ với số lượng hơn 45.000 doanh nghiệp và đặc biệt có hơn 5.000 doanh nghiệp vươn mình hoạt động quốc tế đến hơn 115 quốc gia.
Sơ khai từ những hoạt động làm đại lý cho các hãng vận chuyển nước ngoài, đến nay các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, cung cấp các dịch vụ tích hợp, giải pháp logistics trọn gói đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của thị trường. Từ việc thụ động chờ các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến, các doanh nghiệp Việt đã chủ động bước vào sân chơi toàn cầu, thiết lập, xây dựng mạng lưới của mình, thay đổi vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành logistics.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đứng vị trí thứ 43/139. Xét trong tương quan với các nước trong khu vực thì Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện đã thực sự lớn mạnh, nhiều doanh nhân đã trưởng thành, luôn kiên định, sáng tạo, tiên phong, chúng ta đã thực sự bước vào sân chơi toàn cầu cùng các cường quốc về logistics, có mối quan hệ đồng hành cùng các hiệp hội logistics quốc gia trên toàn thế giới. Đặc biệt, một số Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp logistics Việt Nam đã xây dựng được hệ sinh thái hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ trọn gói end-to-end như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), Công ty CP GEMADEPT, Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty Giao nhận vận chyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) , Công ty CP Tập đoàn ITL,…
– Để tiếp tục hỗ trợ, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp ngành logistics, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2045”, các doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào vào Chiến lược này?
Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, Chiến lược phát triển logistics quốc gia sẽ là “kim chỉ nam”, là nền tảng triển khai các cải cách thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà hiện thực mục tiêu định vị phát triển Việt nam trở thành Trung tâm logistics của khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vươn mình ra thế giới cùng với các xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, Chiến lược sẽ tạo ra những nền tảng cơ sở thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp theo hướng bền vững này. Chúng tôi cũng đề xuất, Chiến lược tập trung đưa ra những định hướng cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ, cụ thể những ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển xanh và bền vững. Bởi sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và các giải pháp thân thiện môi trường sẽ là “chìa khoá” giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, Chiến lược cũng tiếp tục đưa ra định hướng xây dựng, phát triển các tập đoàn mạnh, các doanh nghiệp “đầu đàn” về logistics để dẫn dắt các doanh nghiệp của ngành. Song song với đó, trên thực tế chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh giải pháp kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành, tận dụng và tối ưu hoá tài nguyên của các doanh nghiệp.
VLA và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm xem xét, ban hành Chiến lược này với những định hướng, cơ chế và ưu đãi thúc đẩy cụ thể hơn.
– Vậy từ góc độ Hiệp hội, VLA sẽ có những định hướng hỗ trợ như thế nào cho sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp logistics, thưa ông?
Là Hiệp hội quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành logistics, suốt 30 năm qua, VLA luôn nỗ lực đồng hành cùng các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, đoàn kết sức mạnh cộng đồng logistics Việt Nam, kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics quốc tế thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, ghi dấu ấn và thể hiện vai trò dẫn dắt của ngành logistisc Việt Nam trên trường quốc tế.
Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định số 200/QĐ-TTg, Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho ngành, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP,… VLA sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên. Đẩy mạnh nâng cao năng lực cho hội viên, trong đó, chú trọng công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào phát triển bền vững và logistics cho nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng trong Công điện 13 về tăng cường kết nối logistics thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, song song với các thị trường truyền thống, đẩy mạnh vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.
Tiếp tục làm tốt công tác phản biện, tư vấn chính sách với các Bộ ngành địa phương nhằm góp phần hoàn thiện thể chế phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đối ngoại với các Hiệp hội ngành hàng trong nước và phát huy vai trò VLA trong hoạt động của Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) và Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA). VLA sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thành công Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress – FWC) năm 2025 tại Hà Nội. Hiện sự kiện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các địa phương và doanh nghiệp trong ngành. FWC 2025 là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất về giao nhận vận tải, logistics trên toàn thế giới dự kiến thu hút 1.200 – 1.500 doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới, là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, mở ra triển vọng thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực logistics, qua đó thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và trên thế giới trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!