Doanh nghiệp logistics sẽ đối diện khó khăn nào năm 2025?

Bất ổn kinh tế – chính trị, cạnh tranh trong ngành, kinh tế tăng trưởng chậm và rào cản pháp lý, thủ tục hành chính là những khó khăn doanh nghiệp logistics phải đối diện năm 2025.

Theo báo cáo vừa được công bố của Vietnam Report , năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành logistics Việt Nam nhờ tăng trưởng xuất khẩu, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành logistics Việt Nam năm 2024 hồi phục mạnh mẽ nhờ tăng trưởng xuất khẩu, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn 82% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng

Theo đó, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% trong 10 tháng năm 2024, đạt trên 570 triệu tấn. Trong đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn với sản lượng xử lý lần lượt đạt hơn 321 và 191 triệu tấn. Ngoài ra, sự mở rộng của các khu công nghiệp cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics.

Theo số liệu của CBRE, cuối tháng 6/2024, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình đạt 81% ở miền Bắc và 92% ở miền Nam. Con số trên được kỳ vọng khả quan hơn nữa nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh, với tổng vốn đăng ký đạt trên 27,26 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.

Sự phục hồi của các doanh nghiệp logistics cũng được thể hiện rõ rệt qua kết quả khảo sát của Vietnam Report về biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2023 và 2024. Năm 2023, doanh thu ngành bị ảnh hưởng mạnh khi 33,3% doanh nghiệp giảm đáng kể. Nhưng năm 2024, tình hình khởi sắc với 52,9% doanh nghiệp tăng đáng kể, tỷ lệ giảm chỉ còn 11,8%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng đáng kể năm 2024 đạt 17,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 52,9% doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể vào cùng kỳ năm 2023. Sự cải thiện doanh thu và kiểm soát chi phí kéo theo triển vọng lợi nhuận tích cực hơn, có 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng trong năm nay.

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025. Cụ thể, 29,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đánh giá triển vọng ngành khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều. Trong khi đó, 64,7% cho rằng tình hình của doanh nghiệp sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% nhận định rất khả quan.

Theo các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 5 khó khăn lớn nhất đối với thị trường logistics Việt sẽ bao gồm: Bất ổn kinh tế – chính trị toàn cầu (82,4%); Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (76,5%); Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (58,8%); Rào cản pháp lý và thủ tục hành chính (45,3%); Lao động không đáp ứng được về số lượng/chất lượng (35,3%).

Có 82,3% doanh nghiệp logistics tham gia khảo sát dự báo lợi nhuận tăng trong năm 2024.

Bài toán bền vững

Trước nhận định này, các chuyên gia cho rằng, những chiến lược mà các doanh nghiệp logistics cần ưu tiên áp dụng trong ngắn hạn là hướng tới tối ưu chi phí vận hành, nâng cao năng suất, phát triển nhân lực và đa dạng hóa thị trường.

Về dài hạn, các doanh nghiệp định hướng thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh thực hành ESG, phát triển bền vững, logistics xanh. Đây là bước đi tất yếu trong bối cảnh ngành logistics phải tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu quả vận hành và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tuy nhiên, việc triển khai ESG vẫn là bài toán cần lời giải dài hạn khi logistics gắn liền với hoạt động vận tải – lĩnh vực tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn và chưa thể chuyển đổi một sớm một chiều. Khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy, chỉ có 28,8% số doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch ESG, 31,2% số doanh nghiệp đã lập và triển khai một phần cam kết ESG, song chưa có doanh nghiệp nào triển khai toàn diện.

Ngành logistics Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, từ cải cách thủ tục hành chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics, khuyến khích ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các chính sách xúc tiến thương mại… Để thúc đẩy sự phát triển toàn ngành, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đề xuất những kiến nghị chính sách quan trọng như đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin, có thêm chính sách thúc đẩy ngành dịch vụ logistic phát triển. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng. Đặc biệt, nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu biên giới.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp