Doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, giá điều lao dốc

Thống kê hết tháng 12.2023, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 600.000 tấn điều nhân. Đây là một sự tăng trưởng khá lớn nhưng vấn đề đáng báo động là doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Công suất chế biến dư thừa

Các doanh nghiệp điều Việt Nam đang tự cạnh tranh lẫn nhau gây giảm lợi nhuận/QUANG THUẦN

Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) vừa có cuộc họp cuối năm với thành phần Ban lãnh đạo và nhiều doanh nghiệp chủ chốt. Dù những con số thống kê cho thấy ngành điều có sự tăng trưởng nhưng đằng sau là những ánh mắt lo âu và hiểm họa khôn lường. Ông Nguyễn Minh Họa, Phó chủ tịch VINACAS nhận định: “Ngành điều Việt Nam đang là cầu nối chế biến giữa nguồn nguyên liệu thô và tiêu thụ điều nhân trên thế giới, nhưng vị trí đòn gánh này đang bộc lộ sự bất ổn, có thể dẫn đến gãy gánh”.

Theo ông Họa, đến hết tháng 12.2023, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, xuất khẩu vượt ngưỡng 600.000 tấn điều nhân. Đây là một sự tăng trưởng vượt bậc trong chế biến, nhưng điều đáng nói là đằng sau sự tăng trưởng về lượng ấy, nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Cụ thể, các doanh nghiệp khi mua điều thô thì tranh nhau mua vì nghĩ rằng mua sớm chất lượng tốt, đến khi chế biến nhân mang đi bán thì lại cạnh tranh nhau để bán, vì vậy giá điều nhân giảm sâu. Ví dụ, WW 320 2,6 – 2,7USD/Lb trước đây, nay bán 2,3 USD/Lb vẫn khó bán. Với giá này thì không thể có lãi.

Là doanh nghiệp đứng ở top đầu của ngành điều, ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty Cao Phát cho rằng: “Năm 2023 thực sự là khó khăn. Mặc dù đã hợp lý hóa sản xuất đến mức tối đa nhưng doanh nghiệp điều vẫn không hiệu quả. Có quá nhiều nhà máy nhỏ ở Việt Nam tham gia chế biến, mua quá nhiều điều thô và khả năng tài chính hạn hẹp đã buộc họ phải bán nhân điều dù thua lỗ, càng làm cho thị trường liên tục xuống giá thấp. Tôi khẳng định nguyên liệu điều thô trên thế giới không thiếu, không cần phải cạnh tranh chụp giựt để mua giá cao rồi chế biến ra bán giá thấp. Làm như vậy là tự mình hại mình”.

Đồng tình với ý kiến trên, các doanh nghiệp tham dự hội thảo cùng cho rằng ngành chế biến nhân điều Việt Nam đã phát triển quá “nóng” trong thời gian qua, công suất chế biến vượt nhu cầu tiêu thụ khiến giá bán giảm trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn phải mua dự trữ điều thô. Từ đó, sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và toàn ngành hiệu quả thấp. Thậm chí, không ít doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Ngành điều Việt Nam đánh mất dần vị thế

Ngành điều đang ngày càng khó khăn vì nhà máy phát triển quá nhanh trong khi nguồn nguyên liệu lại đang phụ thuộc nước ngoài/QUANG THUẦN

Theo ông Cao Thúc Uy, các nước châu Phi gần đây đã có thể tự chế biến nhân điều và xuất khẩu. Với lợi thế nguồn nguyên liệu, có khách hàng ở châu Âu đánh giá châu Phi đang chế biến ra sản phẩm tốt hơn Việt Nam, giá cạnh tranh hơn. Thực tế hiện nay trình độ chế biến của châu Phi chưa bằng được Việt Nam, tuy nhiên chất lượng chế biến của châu Phi tốt hơn do họ ở tại vùng nguyên liệu, chọn mua trước những lô điều thô tốt, đẩy hàng xấu sang Việt Nam. Nhân điều chế biến ra, họ giữ lại nhân tốt, sạch để xuất bán cho Âu, Mỹ còn nhân sót vỏ lụa thì bán cho Việt Nam làm nốt công đoạn “nhích lụa”; vì vậy, sản phẩm của họ không có 1 vết dao; còn hàng xấu, Việt Nam nhận cho họ”.

“Giá nhân điều của họ cạnh tranh hơn Việt Nam do mua điều thô tại chỗ, giá và chi phí vận chuyển về nhà máy thấp hơn nhiều lần; điều thô họ sử dụng không phải chịu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí; doanh nghiệp chế biến lại nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ; chi phí vận chuyển nhân điều sang châu Âu và Mỹ thấp hơn. Từ đó có thể thấy ngành điều Việt Nam đang đánh mất dần lợi thế”, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, nhận xét.

VINACAS nhận định, trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam nhập 100.000 tấn nhân điều từ châu Phi, tương đương 500.000 tấn điều thô; gấp đôi sản lượng điều thô của Việt Nam. Trong đó, hầu hết là hàng chất lượng kém, còn sót vỏ lụa bị loại ra. Sự gia tăng nhanh lượng điều thô chất lượng thấp đã khiến ngành điều lo lắng, bởi lợi nhuận không cao và cũng tự làm giảm chất lượng của mình khi phải pha trộn nhiều loại với nhau.

Trước mắt, để tự cứu mình, các doanh nghiệp lớn cho rằng trước hết, doanh nghiệp toàn ngành phải đồng lòng không nên vội vàng mua điều thô và dự trữ nhiều khi chưa có hợp đồng bán điều nhân. Trong chế biến, kinh doanh đặc biệt coi trọng và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; thời hạn giao hàng và các cam kết với khách hàng. Nên chọn phương thức thanh toán bằng L/C để giảm thiểu rủi ro.

Cần định hình lại ngành điều Việt Nam

Ngành điều Việt Nam trong thời gian qua đã bộc lộ quá nhiều sự bất ổn, phát triển quá nóng dẫn đến công suất chế biến vượt quá nhu cầu tiêu thụ, từ đó buộc họ phải cạnh tranh lẫn nhau để tranh mua nguyên liệu, tranh bán điều nhân. Cuối cùng vai trò điều phối bị phá vỡ và nguy cơ sụp đổ là điều hiển hiện trước mắt. Bên cạnh đó, các nước trồng điều trên thế giới cũng đang gia tăng diện tích, sản lượng một cách nhanh chóng, trong khi đó thị trường tiêu thụ cũng tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm. Như vậy, không chỉ ngành điều Việt Nam mà cả các chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhà tiêu thụ điều nhân trên thế giới cần phải ngồi lại với nhau để tái định hình cung cầu, định hướng được giá mua, giá bán. Sắp tới, VINACAS chuẩn bị tổ chức hội nghị điều quốc tế tại Quảng Bình, với sự tham gia của cả người bán nguyên liệu, người tiêu thụ điều nhân trên thế giới. Đây là một sự kiện rất quan trọng bởi thông qua cuộc gặp mặt đông đủ này, bức tranh cung cầu ngành điều toàn thế giới mới được phác họa rõ nét, giúp doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quát và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp hơn với thực tiễn.

Ông Phạm Văn Công

Theo Báo Thanh Niên