THĐS- “Sức khỏe” hiện nay của nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn yếu nên không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng thận trọng hơn khi cho vay. Áp lực dòng tiền tiếp tục nổi lên là khó khăn lớn nhất đối với cộng đồng DN để hồi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong các lần tiếp xúc giữa ngành ngân hàng với DN tại một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, hay khu vực Tây Nguyên, đại diện nhiều DN cho biết, khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến việc tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm. Vì vậy, dòng tiền của nhiều DN bị nghẽn.
Dòng tiền là vấn đề cấp thiết
Báo cáo mới nhất mà Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã nhận định, áp lực dòng tiền tiếp tục nổi lên là khó khăn lớn nhất của các DN.
Theo phân tích của Ban IV, dù một số DN Việt đã niêm yết trên sàn chứng khoán song DN vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, DN sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của DN.
Trên thực tế, DN cũng đã lên tiếng rất nhiều lần về việc khó tiếp cận ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Vinh – Chủ tịch Hội doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty thương mại Thái Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất hiện tại là mặt bằng mà rất nhiều năm nay DN mới được hưởng. Trước đây, DN thường mua hợp đồng thư tín dụng L/C trả chậm để lãi suất rẻ nhưng hiện nay, nhiều DN lựa chọn hình thức L/C trả ngay vì lãi suất thấp.
Nhưng nhiều DN đang chịu sức ép từ thị trường và đơn hàng, đa phần lại là DN nhỏ và vừa nên chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Vì thế, bà Vinh kiến nghị cần kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa ngân hàng và DN, bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn giữa các loại hình DN.
Tương tự, ông Bùi Sỹ Dân – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện tín dụng, không bắt buộc mua bảo hiểm khoản vay, gia hạn khoản vay, cho DN đáo hạn, xem xét linh động trong việc chuyển nhóm nợ…
Cần tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp
Theo nhìn nhận của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cần tiếp tục các các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho DN. Cụ thể, giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 hoặc nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách.
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ DN, vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Trong cơ cấu chi phí của DN, chi phí vận hành là trách nhiệm của DN và để cứu mình, nhiều DN đã phải chủ động cắt giảm chi phí, giảm quy mô. Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế – phí, chi phí bảo hiểm xã hội… nằm trong không gian chính sách của Nhà nước.
Đặc biệt, lãi suất cho vay phải giảm thực sự để hỗ trợ DN vì lãi suất cho vay hiện tại dù đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước khác cũng như so với chính sức chịu đựng của DN. Trong bối cảnh phục hồi, các ngân hàng thương mại cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của DN để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, cần ưu tiên lãi suất thấp hơn cho các DN xuất khẩu, các DN vừa và nhỏ. Các ngành có nhiều rủi ro cần chấp nhận lãi suất cao hơn.
Đứng ở góc độ DN, bà Trần Thị Lan Anh – đại diện Công ty xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) chia sẻ, hiện nay khối DN vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Trong thực tế, các DN tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng hình thức này khiến các DN tư nhân chỉ được vay số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.
Vì vậy, đại diện DN Vĩnh Hiệp đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê. Ngoài ra có thể xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá để DN được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp…
Nỗ lực giảm lãi suất
Để hỗ trợ cộng đồng DN phục hồi và tăng trưởng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc cấp vốn cho DN. NHNN đã đưa ra nhiều thông điệp và sử dụng nhiều công cụ để hỗ trợ giảm lãi suất, trong đó đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Vì thế, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2023, lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã có mức giảm 1% so với cuối năm 2022. Theo thống kê của NHNN thì lãi suất trung bình cho các khoản vay mới đã giảm từ 2-2,2%, tức là vượt kỳ vọng từ đầu năm.
Bà Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng, nhưng vẫn cần thủ tục thông thoáng hơn. Theo bà Hoa, ngành ngân hàng nên nghiên cứu thêm sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt hơn với DN nhỏ và vừa.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, lãi suất cho vay thời gian qua đang có xu hướng giảm, nhưng mức giảm không nhiều và tốc độ giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Do thời gian trước các ngân hàng đã huy động với lãi suất cao và kỳ hạn dài trên 12 tháng. Hiện dòng vốn giá cao đó vẫn còn. Vì vậy dù gần đây lãi suất huy động đã giảm nhưng các ngân hàng vẫn phải quân bình vốn khiến lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Ngoài ra, việc thừa vốn của các ngân hàng cũng khiến chi phí lãi tăng lên, ảnh hưởng tới việc giảm lãi suất cho vay.
Ông Huân dự báo, xu hướng lãi suất thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục giảm, bởi dòng vốn giá rẻ chảy về ngày càng nhiều giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, do thừa vốn nên các ngân hàng cũng có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau để thu hút khách vay tiền. Các ngân hãng cũng tận dụng quy định của Thông tư 06/2013 của NHNN về việc cho phép vay từ ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác. “Hiện đang là thời điểm vàng để DN và người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi và nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân hàng” – ông Huân nhận định và cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay không nằm ở ngân hàng mà là do DN không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Một trong những khó khăn được nhiều DN phản ánh có liên quan đến khoản nợ xấu phát sinh trong giai đoạn Covid-19. Theo đó, dù DN đã trả hết số nợ xấu này, nhưng thông tin vẫn bị treo trên Trung tâm Thông tin tín dụng CIC nên DN không thể vay ngân hàng dù hiện tại DN có tài sản đảm bảo, chứng minh được dòng tiền… Theo quy định, DN sẽ phải chờ 5 năm sau thông tin này mới được xoá trên CIC.
“Số lượng DN gặp phải tình trạng này cũng khá nhiều. Do đó, tôi cho rằng NHNN và các ngân hàng thương mại có thể cân nhắc xóa thông tin CIC trong thời kỳ khó khăn do Covid để DN có thể vay vốn nếu đáp ứng đủ điều kiện ở hiện tại. Điều này sẽ giúp giải quyết được vấn đề thừa vốn trong hệ thống ngân hàng” – ông Huân kiến nghị.
Lãi suất phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ Lãi suất là vấn đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm nên Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có báo cáo về điều hành lãi suất và chính sách tiền tệ. Đến nay, về tổng quan, điều hành lãi suất đã hoàn thành mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ DN, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, cũng như mở rộng đầu tư để tăng trưởng GDP. Việc điều hành lãi suất còn phụ thuộc vào lạm phát nên phải tính toán mức độ giảm phù hợp. Hơn nữa, lãi suất còn có quan hệ chặt chẽ với tỷ giá ngoại tệ, khi lãi suất ở Việt Nam thấp nhưng tỷ giá ngoại tệ cao, lãi suất ngoại tệ của các nước cũng ở mức cao, nên có thể gây chênh lệch và cần cân nhắc khi điều hành. Đặc biệt, lãi suất còn liên quan đến chính sách tài khóa, từ phát hành trái phiếu đến huy động nguồn lực của nhà nước hay sử dụng các khoản cho vay của nhà nước… Điều hành lãi suất phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán phương án hợp lý. |
theo daidoanket.vn