Doanh nhân Minh Hiếu – “Thép đã nở Hoa”!

Danh xưng người đàn bà “Hoa Thép” đã gắn liền với doanh nhân Minh Hiếu kể từ khi giấc mơ của chị thành hiện thực. Đứa con “Hoa Thép” ra đời là kết tinh và hội tụ tất cả những thăng trầm, đắng, cay ngọt bùi mà chị đã phải trải qua.

“Thực sự chưa bao giờ tôi lại thấy hài lòng và thanh thản như lúc này, tất cả những vất vả, những đắng cay, va vấp của ngày hôm qua giống như chất xúc tác đưa tôi đến với cuộc sống muôn màu và giúp tôi cảm nhận cuộc sống trọn vẹn hơn. Tôi luôn ghi nhớ và biết ơn những thử thách, nhờ đó đã tôi luyện tôi có được một tinh thần và một sự quyết tâm cao để tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi thử thách” – Đó là lời tự bạch của doanh nhân Đinh Thị Minh Hiếu – Giám đốc Công ty Hoa Thép, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ Doanh nhân quận Tân Phú (TPHCM).

Doanh nhân Đinh Thị Minh Hiếu – Giám đốc Công ty Hoa Thép, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ Doanh nhân quận Tân Phú (TPHCM).

Từ công nhân may đến bà chủ thương hiệu “Hoa Thép”!

Để có được sự nghiệp và mái ấm gia đình như hôm nay, đó là cả một hành trình hi sinh gầy dựng, nuôi dưỡng, tạo lập ước mơ từ thời trẻ. Học hết cấp 3 do cha mất sớm, nhà lại đông anh chị em vì thương mẹ nên chị dừng theo đuổi ước mơ đại học và quyết định trở thành công nhân may cho một công ty tại TPHCM.

Sau một lần nhờ cơ duyên đưa đến đã giúp chị gặp và được chị Lan giám đốc công ty Vĩnh Thành mách nước, khi được người chị phân tích và định hướng lĩnh vực kinh doanh chị đã quyết định mở bếp ăn để nấu các suất ăn công nghiệp. Là người tháo vác lại ham học hỏi nên trong 10 ngày khởi nghiệp chị đã thành công khi nắm trong tay công thức mà chị phải mày mò trong suốt 10 ngày đêm không ngủ đủ giấc.

Chị kể lại: “Khi gặp và nói chuyện cùng chị Lan, tôi thấy bản thân mình vỡ ra được rất nhiều điều, chị Lan thẳng thắn chia sẻ: Là người phụ nữ phải biết tự chủ về tài chính, không nên chỉ biết đứng sau chồng, bởi có đôi khi không phải cứ hi sinh là sẽ có được trái ngọt. Vì vậy, em nên xây dựng cho em một công việc riêng. Nghe những lời này, tôi quyết định làm suất ăn công nghiệp”.

Là người tháo vát, thông minh, trong 10 ngày chị dành thời gian mày mò các công thức nấu nướng, tìm hiểu dinh dưỡng, giá cả thị trường để tạo nên một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trời không phụ người có lòng, chị đã thành công và tìm được nhiều khách hàng đối tác là các công ty, doanh nghiệp. Trong suốt 17 năm vận hành suất ăn công nghiệp, để có được sự tin tưởng cũng như ủng hộ của khách hàng, đều đến từ nỗ lực và sự uy tín mà bản thân chị đã gây dựng.

“Dẫu cực khổ nhưng tôi luôn đặt cái tâm lên hàng đầu, chưa bao giờ tôi mua hàng kém chất lượng, thịt trứng cá, rau củ quả tất cả đều phải tươi ngon. Tôi có mặt tại các chợ đầu mối từ tờ mờ sớm. Tôi muốn có sự an toàn không chỉ trong kinh doanh mà còn trong cả những bữa ăn của công nhân”, chị Hiếu bộc bạch.

Công việc đang hết sức thuận lợi năm 2012 – 2013, do kinh tế suy thoái cộng với những biến cố trong gia đình và công việc nên chị đành chia tay lĩnh vực suất ăn công nghiệp mà mình gầy dựng suốt 17 năm qua. Là một người mạnh mẽ nên sau những biến cố giống như một phép thử đối với chị, chị lại quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới. Chị khởi nghiệp bằng việc mở một Shop nhỏ bán đồ thể thao cùng con, nhưng do chênh lệch quá nhiều về tuổi tác nên chị đã giao lại cho con và hướng sang công việc mới. Rất may cơ duyên mang lại một lĩnh vực mới cho chị từ 2018 cho bây giờ.

Trải qua nhiều công việc và lĩnh vực khác nhau cuối cùng chị cũng chọn cho mình điểm dừng ở tuổi 54 đó là ngôi nhà chung mang tên “Hoa Thép” với sự hỗ trợ, kết nối từ các thành viên trong Câu lạc bộ nữ doanh nhân Tân Phú. “Hoa Thép” là sự tích hợp của dịch vụ văn phòng, tổ chức sự kiện, Workshop, giới thiệu trưng bày sản phẩm. Nơi đây cũng là điểm hẹn để mọi người cùng nhâm nhi trà, cafe, nghe những bản nhạc sau một ngày làm việc vất vả. Đặc biệt, “Hoa Thép” sẽ trích 5% lợi nhuận làm quỹ hoạt động từ thiện cố định.

“Hoa Thép” được hiểu rằng: “Thép khi được nung lên sẽ ấm áp như ngọn lửa nhưng rồi sẽ tan chảy tạo thành mẫu vật theo khuôn đã làm sẵn và khi nguội thì lại cứng rắn và sắc bén. Và người phụ nữ cũng giống như thép vậy, dù mềm yếu nhưng không kém phần sắc bén, uyển chuyển trong mọi hoàn cảnh”, chị chia sẻ.

“Nhân Phú” – nhân lên những tấm lòng phú quý

Là người đi lên từ khó khăn gian khổ nên chị đồng cảm với những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, dù bận rộn với công việc kinh doanh và chăm sóc gia đình nhưng chưa bao giờ chị vắng mặt trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, xã hội.

Xúc động nhớ lại thời khắc cùng chị em vào điểm nóng chống dịch COVID-19, chị nói: “Lúc đó, khi nghe tin khu cách ly và lực lương tuyến đầu thiếu thốn nên đã cùng các chị em trong Câu lạc bộ xây dựng bếp ăn tình nghĩa. Dự tính mỗi ngày nấu 300 phần ăn gửi đến khu cách ly và lực lượng phòng chống dịch COVID-19. Mọi người cố gắng duy trì bếp ăn trong 3 tháng nhưng mới được hai tháng rưỡi thì cả đội đều bị nhiễm COVID-19 phải ngưng lại 2 tuần. Khi trực tiếp tham gia chống dịch, bản thân tôi không nghĩ nhiều vì nếu nghĩ sẽ không làm được”.

Nhớ lại thời điểm đỉnh dịch, thành phố thực hiện giãn cách, khu nhà chị xuất hiện các ca bị nhiễm COVID-19, mọi người khó khăn trong việc mua thuốc và thực phẩm, thấy vậy, chị đã nói với một thành viên trong Câu lạc bộ nữ doanh nhân làm bên dược cùng họ phát thuốc cho người nhiễm bệnh. Từ phát thuốc, chị vận động thêm bạn bè phát thực phẩm cho người dân trong khu vực, sau đó là cả Câu lạc bộ tổ chức bếp ăn thiện nguyện cung cấp cho các khu cách ly và lực lượng tuyến đầu chống dịch mỗi ngày 300 phần.

Đặc biệt, với mong muốn kết nối giao thương, nối liền đôi bờ vui, chị cùng các thành viên trong Câu lạc bộ nữ doanh nhân Tân Phú hỗ trợ và kêu gọi các mạnh thường quân xây cầu ở vùng miền Tây, nơi có hệ thống sông nước chằng chịt.

Chia sẻ về quá trình xây dựng các cây cầu, chị Hiếu nói: “Tôi hạnh phúc khi thấy mọi người đi lại thuận tiện, trẻ em được đi học an toàn trên chính cây cầu mà các mạnh thường quân đã hỗ trợ. Hình ảnh các em ngồi trên những chiếc bè do cha mẹ tự chế đẩy qua sông làm tôi thấy nghẹn lòng. Địa phương được lựa chọn xây cầu nhiều nhất là Cà Mau – điểm cuối cùng của Tổ quốc”.

“Hiện tại chúng tôi đã xây dựng 7 cây cầu và cố gắng cuối năm nay sẽ khánh thành cây cầu số 8 tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau để bà con nơi đây dễ dàng lưu thông, đón Tết. Ngày cầu khánh thành, chúng tôi mới nghĩ rằng mình sẽ làm xuyên suốt hoạt động này nên đã quyết định đặt tên cầu là “Nhân Phú” – Nhân là doanh nhân, Phú là Tân Phú. “Nhân Phú” cũng có nghĩa là chúc cho dân nơi ấy, Phú quý và sẽ phát triển về giao thương kinh tế nâng cao giá trị cuộc sống. Và “Nhân Phú” chính là “Nhân lên những tấm lòng phú quý, thơm thảo”, chị Hiếu chia sẻ./.

Nhân Lê (Theo TTV)