Doanh nhân Trương Văn Bền: Xà bông Cô Ba vang bóng một thời (Kỳ 2)

Nhắc đến “Xà bông Cô Ba” là nhớ đến doanh nhân Trương Văn Bền bởi ông là người đã tạo ra một thương hiệu hoàn toàn Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xà phòng của người Pháp ở Đông Dương.

Kỳ 2: Thương hiệu Xà bông Cô Ba

Vào cuối những năm 1920, Trương Văn Bền bắt đầu phát triển một lĩnh vực kinh doanh mới, đó là sản xuất xà bông (savon) bởi mặt hàng xà bông trong nước hầu như bỏ ngỏ khi loại xà bông xấu do các lò nấu ở Chợ Lớn có chất lượng quá kém, không cạnh tranh nổi với loại xà bông được nhập từ Pháp, do các hãng ở cảng Marselle cung cấp.

Một cửa hàng Xà bông Việt Nam tại Sài Gòn (Nguồn: Brandsvietnam.com)

Nhận thấy tiềm năng kinh doanh từ mặt hàng này, Trương Văn Bền thành lập Công ty Trương Văn Bền và các con tọa lạc trên đường Rue de Cambodge chuyên sản xuất xà bông mang tên Savon Việt Nam.

Ông làm xà bông theo lối tiểu công nghệ. Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông đã hợp tác với nhiều chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho. Để thu hút khách hàng cũng như xây dựng thương hiệu xà bông Việt, ông đã sử dụng hình ảnh một người phụ nữ Nam bộ tên Cô Ba làm biểu tượng nhằm thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và sự tự hào dân tộc, nên người tiêu dùng quen gọi savon Việt Nam là xà bông Cô Ba. Có nhiều câu chuyện xung quanh thương hiệu xà bông này. Có người cho rằng cô Ba chính là vợ của ông Trương Văn Bền. Một giả thuyết khác giải thích hình cô Ba được in trên bánh xà bông có thể là cô Ba Thiệu – người con gái Trà Vinh sắc nước hương trời đã từng đăng quang Miss Saigon.

Savon Việt Nam có hình khối vuông, mỗi bánh đều in nổi hình đầu người phụ nữ, được bán khắp ba nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của Pháp đang thống lĩnh thị trường.

Quảng cáo một số sản phẩm của thương hiệu Xà bông Cô Ba (Nguồn: Thương hiệu công luận)

Với nguyện vọng tạo ra loại xà bông tốt nhất phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, Trương Văn Bền đặc biệt chú trọng khâu quảng cáo khuếch trương thương hiệu. Ông đã cho đăng thông cáo trên báo Sài Thành ngày 20/9/1932 về savon của Công ty như sau: “Vốn là chúng tôi có lập ra hãng savon hiệu “Việt Nam” đã lâu nay ai ai cũng đều hoan nghinh là savon thiệt, chẳng kém savon Marseille mà giá lại rẻ nhiều. Nay chúng tôi mới hay rằng có một thứ savon mới ra để hiệu “Nam Việt”, và có nhiều ông mua lầm tưởng là savon “Việt Nam”, viết thơ tôi hay. Bởi vậy nên chúng tôi viết bài này xin quí ông quí bà có mua savon “Việt Nam” thì coi kỷ có đầu hình người “Việt Nam” là savon của chúng tôi”.

Với cách quảng cáo thông minh, thương hiệu xà bông Cô Ba nhanh chóng phổ biến tại nhiều chợ ở miền Nam. Sau đó, xà bông Cô Ba dần được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Hồng Kông, đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương và một số nước châu Phi. Trong những năm 1940, Trương Văn Bền là doanh nhân sản xuất một số loại dầu và xà bông thành công nhất Đông Dương.

Công ty Trương Văn Bền và các con còn đem xà bông đến các cuộc triển lãm tại các tỉnh miền Nam và Sài Gòn trong những năm 1930, những gian hàng được thiết kế ấn tượng với mô hình một bánh xà bông to lớn gây được sự chú ý đặc biệt của người xem. Tại các gian hàng còn bán xà bông gọi là “chào hàng” với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%.

Ngày 18/2/1936, Trương Văn Bền đăng thông cáo trên các báo xuất bản ở Sài Gòn, cho biết savon Việt Nam được bán và ưu chuộng trên thế giới: “Hãng savon VIỆT NAM ra đời được ba năm, công chúng đều nhận thứ savon VIỆT NAM tốt hơn các thứ savon khác của An Nam làm ra. Nhiều người nói rằng savon VIỆT NAM đem qua bên Tàu bán thì ở bên Tàu ai ai cũng đồn rằng VIỆT NAM là tốt hơn các thứ savon khác ở bển. Lóng nầy savon VIỆT NAM lại bán qua nhiều thuộc địa Pháp như Madagascar và Reunion và ai nấy đều hoan nghinh savon VIỆT NAM”.

Có thể nói, xà bông là sản phẩm mang lại cho Trương Văn Bền nhiều tiếng tăm và tiếp cận được nhiều khách hàng nhất. Tên tuổi của Trương Văn Bền gắn liền với xà bông Việt Nam, xà bông Cô Ba. Đến khi Thế chiến II bùng nổ, xưởng dầu của ông ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, Công ty Trương Văn Bền và các con sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine bất chấp sự khan hiếm nguyên liệu do chiến tranh. Có thể thấy, Công ty Trương Văn Bền và các con là công ty quan trọng nhất sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương.

Cũng trong thập niên 1930 và 1940 sự nghiệp chính trường của Trương Văn Bền tiếp tục thăng tiến khi ông trở thành Chủ tịch Nhà băng Tín dụng Canh nông Chợ Lớn (Caisse de Crédit Agricole du Cholon) năm 1932, Phó chủ tịch Phòng Canh nông (Chambre d’ Agriculture) trong thời gian 1932 – 1941.

Trong giai đoạn này, Trương Văn Bền vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi kinh tế của người Việt, như vận động và bỏ phiếu thông qua một quyết định về phát triển thủy lợi ở Nam kỳ năm 1938, phát biểu phản đối một đạo luật của chính quyền thuộc địa nhằm hạn chế và quản lý chặt việc sử dụng thuốc cổ truyền năm 1939.

Năm 1941, ông tham gia thành lập Hội đồng Sản xuất kỹ nghệ Đông Dương (Conseil de production industriel d’ Indochine) và thành lập thêm hai nhà máy xay lúa, sản xuất hơn 100 tấn gạo mỗi ngày.

Sau năm 1948, Trương Văn Bền rời Việt Nam sang sống tại Paris, Pháp, để lại công ty và gia sản cho các con. Ông dành những năm cuối đời để du lịch nhiều nơi trên thế giới và viết hồi ký.

Doanh nhân Trương Văn Bền qua đời ở Paris năm 1956, hưởng thọ 73 tuổi.

Kế thừa sự nghiệp của cha, các con của Trương Văn Bền tiếp tục phát triển mạnh savon Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XX. Năm 1959, Công ty thuê một đoàn võ thuật đi cổ động cho xà bông Cô Ba từ Sài Gòn ra đến Quảng Trị với ước muốn phân phối hàng chính hãng đến tận tay người tiêu dùng (không thông qua đại lý). Không chỉ quảng cáo xà bông Cô Ba tại chợ, đoàn còn đến các làng xã xa xôi để biểu diễn võ thuật và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, tiếng tăm xà bông Cô Ba ngày càng lan xa.

Năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và các con phải hợp doanh với Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 2014, Công ty CP Sản xuất – Thương mại Phương Đông quyết định hồi sinh xà bông Cô Ba nhưng thương hiệu này vẫn mờ nhạt giữa thị trường cạnh tranh gay gắt.

Thời của xà bông Cô Ba đã qua. Thương hiệu nào cũng chỉ gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định. Vào nửa đầu thế kỷ XX, ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm thế giới chưa phát triển, các hóa phẩm và xà bông chưa “muôn hồng nghìn tía” như sau này thì “hương đồng cỏ nội” xà bông Cô Ba giữ “ngôi hậu” là hợp lý.

Theo Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn