Đam mê nghệ thuật múa rối, hơn 20 năm qua, một lão nông ở Nghệ An đã tự mày mò sáng chế hàng trăm nhân vật múa rối điện từ các vật liệu phế phẩm rồi mang đi biểu diễn khắp nơi, được người xem tán thưởng.
Nhấn công tắc, dàn nhạc gồm nhiều nhân vật rối lập tức hoạt động, mỗi nhân vật chơi một nhạc cụ khác nhau. Âm thanh từ chiếc loa được bật lên, nhìn cứ như đang xem một dàn nhạc thật đang chơi. Những động tác chơi nhạc cụ của các nhân vật rối được điều khiển tự động bằng các mô tơ chạy điện rất sinh động, y như người thật, rất vui nhộn.
Mê rối
Hơn 11 giờ trưa, ông Hồ Văn Thân (63 tuổi, ngụ khối 7, P.Quỳnh Xuân, TX.Hoàng Mai, Nghệ An), chủ nhân của hàng trăm con rối, mới trở về nhà sau buổi làm đồng. Thấy có khách đến xem rối, ông Thân hồ hởi, lật đật đi thay áo rồi bê dàn rối ra sân để biểu diễn.
Dàn nhạc Tây nguyên gồm 5 nhân vật, chơi các loại nhạc cụ đàn t’rưng, đàn đá, đàn klong put. Ông Thân cắm điện, bật công tắc, 5 nhạc công lập tức hoạt động. Các động tác linh hoạt của các nhạc công rối hòa trong âm thanh của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo trông cứ như ban nhạc người thật đang chơi, rất vui mắt.
Trong nhà ông Thân hiện có hàng trăm nhân vật rối đã được gắn mô tơ điện để hoạt động. Đó là những nhân vật được ông tạo nên theo chủ đề: dàn nhạc Tây nguyên, dàn nhạc trẻ, hát quan họ, hát then, thổi khèn, hoạt cảnh quay tơ dệt lụa, xay lúa, sàng gạo, Thị Nở bón cháo cho Chí Phèo…
Các nhân vật được làm bằng xốp, được ông Thân cắt gọt tỉ mỉ, trang điểm mặt mũi, đội tóc giả, trang phục cho các nhân vật cũng cầu kỳ.
Ông Thân kể, ở quê ông trước đây có một câu lạc bộ múa rối điều khiển bằng dây. 15 tuổi, ông đã tham gia câu lạc bộ. “Mỗi con rối do một người điều khiển, rất cồng kềnh. Mỗi lần tập luyện cũng phải chờ đợi nhau vì nhiều người bận việc, cho nên tập luyện rất khó”, ông Thân nhớ lại.
Câu lạc bộ này sau đó tan rã vì nhiều người không còn muốn theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Mê rối, nhưng một mình không thể duy trì được nên ông Thân đành gác lại đam mê, dù vẫn rất nuối tiếc. Ít lâu sau, năm 2000, trong đầu ông xuất hiện ý tưởng làm rối điện, lấy mô tơ điện điều khiển con rối thay cho người.
Ông Thân dùng gỗ, xốp mày mò đẽo gọt, dùng sơn màu để tạo hình các nhân vật rối. Ông đến các cơ sở thu mua phế liệu tìm mua mô tơ điện từ những chiếc quạt máy hỏng, để làm động cơ cho các con rối hoạt động.
Dù mới học đến lớp 7, nhưng sự sáng tạo và nỗi đam mê rối đã giúp ông Thân thành công. “Ban đầu dàn rối là ban nhạc hơn 10 con. Khi làm xong, tui mang ra chạy thử, dân làng kéo đến coi đều trầm trồ thích thú khiến tui rất vui”, ông Thân kể.
Sự khích lệ của người xem đã khiến ông Thân có thêm động lực để chế tạo các dàn rối khác. “Cái khó nhất là mỗi hoạt động, động tác cử động của các nhân vật là khác nhau nên phải có mô tơ phù hợp. Mỗi vở, mỗi lớp nhân vật là một loại trang phục khác nhau cho đúng với trang phục truyền thống. Do đó, để hoàn thành một ban nhạc 7 – 10 con rối phải tốn rất nhiều thời gian”, ông Thân chia sẻ.
Vui khi được mời đi diễn
Sinh ra và lớn lên ở làng, công việc chính của ông Thân vẫn là cày bừa, cấy hái trên đồng ruộng. Thời gian rỗi, lão nông này lại say sưa mày mò với dàn rối. Đến nay, ông đã chế tạo được 15 dàn rối điện với hàng trăm nhân vật phục vụ khán giả ở các lứa tuổi khác nhau.
Không chỉ biểu diễn ở nhà và ở địa phương mỗi khi có lễ lớn, nhiều người biết đến đã mời ông đi biểu diễn ở các lễ hội, đám cưới, lễ kỷ niệm.
“Người ta mời tui vô Huế, vô TP.Vinh rồi ra Nam Định biểu diễn. Khi thì biểu diễn ở sân khấu nơi công cộng, khi thì ở làng trẻ em SOS, có khi là ở nhà riêng. Khi biểu diễn, thấy người xem thích thú với rối là tui hạnh phúc lắm”, ông Thân nói.
Người dân địa phương quý ông, nên phong cho ông là nghệ nhân múa rối đồng quê. Trong căn nhà cấp 4 và trước mảnh sân của gia đình ông hiện nay dựng đầy nhân vật rối. Chúng được ông yêu quý, coi như con.
“Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người trẻ có cùng đam mê để phát triển trò rối điện này, đừng để nó mai một. Làm rối không quá khó, chỉ cần đam mê và có chút sáng tạo. Mang niềm vui đến cho mọi người là mục đích của tôi”, ông Thân trải lòng.