Dịch vụ đòi nợ thuê đã làm nóng nghị trường Quốc hội ngày 20/11 khi nhiều ý kiến khác nhau bảo vệ quan điểm cấm hay không cấm.
Những hệ lụy, biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê thời gian qua cũng rất đáng quan tâm, lo lắng. Ở một số nơi, hoạt động đòi nợ thuê nở rộ bao gồm cả có đăng ký và không có đăng ký kinh doanh. Một số trường hợp đã câu kết với đối tượng hình sự, ổ nhóm xã hội hội đen đi đòi nợ thuê. Hoạt động đòi nợ thuê được tiến hành với những hành vi vượt qua khung khổ pháp luật như bắt người trái phép, đánh người, chiếm đoạt hay hủy hoại tài sản, khủng bố tinh thần người thân của con nợ, gây mất an ninh trật tự cộng đồng… Nhiều vụ việc từ thực tế đã cho thấy mặt trái của dịch vụ đòi nợ thuê rất cần sớm xóa bỏ, chính điều này mà trong dự thảo về Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào diện cấm kinh doanh.
Tuy nhiên, các ý kiến bảo vệ quan điểm cần có dịch vụ đòi nợ thuê này cũng rất có lý. Thực tế cho thấy, dịch vụ này nở rộ và pháp luật không cấm cũng là đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đặt ra. Nó là nhu cầu chính đáng khi các chủ nợ bất lực để đòi quyền lợi của mình. Có điều, khung khổ pháp lý cho dịch vụ đòi nợ thuê chưa đầy đủ, chặt chẽ khiến dịch vụ này hoạt động trong thực tế có nhiều biến tướng. Hơn nữa lực lượng quản lý, thực thi quy định pháp luật có khi còn buông lỏng, có khi chưa đủ lực để chấn chỉnh, xử lý những sai phạm. Do đó, thay vì cấm tiệt thì cần hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực quản lý để quản chặt loại hình dịch vụ này. Duy trì dịch vụ đòi nợ thuê cũng là biện pháp giảm tải cho hệ thống tòa án, phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước không cấm dịch vụ đòi nợ thuê).
Quan điểm nào cũng có lý nên việc cấm hay để vẫn được cơ quan soạn thảo Luật tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nhìn thẳng thực tế, dịch vụ đòi nợ thuê phát sinh một phần do những hạn chế, yếu kém từ hoạt động của tòa án và cơ chế hòa giải ở cơ sở. Ở nhiều vụ đòi nợ, khi chủ nợ tìm đến tòa án thì trình tự, thủ tục rất phức tạp và mất thời gian, như một đại biểu Quốc hội đã tính từ lúc đệ đơn đến lúc bản án phúc thẩm có hiệu lực phải mất khoảng 250 ngày, có vụ kéo dài đến vài năm. Quá trình đó tốn rất nhiều thời gian, công sức của chủ nợ, cũng như cơ hội kinh doanh từ khoản nợ bị mất đi. Còn cơ chế hòa giải thì rất khó để áp dụng nhất là khi con nợ “cứng đầu”, cố tình chây ỳ. Do đó, dù chi phí cao, nhiều chủ nợ đi tìm dịch vụ đòi nợ thuê để nhanh thu hồi phần tài sản chính đáng của mình. Dịch vụ đòi nợ thuê chính là khỏa lấp điều mà tòa án và cơ chế hòa giải còn chưa làm được. Do đó, để giải quyết vấn đề từ gốc, cơ quan hữu quan cần cải cách, đơn giản hóa thủ tục, hoạt động của tòa án, của các cơ chế hòa giải dân sự. Khi các cơ chế tòa án, hòa giải ở cơ sở đơn giản, nhanh chóng, tốn ít công sức, chi phí hơn thì các chủ nợ sẽ tự tìm đến thay vì chọn dịch vụ đòi nợ thuê.
Phương Nam