“Đói” vốn đang tác động xấu “sức khỏe” doanh nghiệp

Tình trạng tín dụng cạn kiệt, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay đang gây khó khăn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhất là khi đang trong giai đoạn “chạy nước rút” về kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm cũng như chuẩn bị cho năm 2023.

Vietcombank đã công bố chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay ưu đãi nhưng khó tiếp cận vốn

Room tín dụng mở thêm 1,5-2% cho năm 2022

Tối ngày 5/12/2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Nguyên tắc điều chỉnh theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Thống đốc NHNN yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng.

Mặc dù lãi suất cho vay được nhận định là tăng chậm hơn lãi suất huy động, nhưng với mức lãi suất cho vay có thể lên tới 14-15%/năm, bất kể doanh nghiệp nào cũng phải e dè. Nếu doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận lãi vay cao cũng không dễ tiếp cận nguồn vốn do các ngân hàng khó giải ngân.

Đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây tại Bến Tre chia sẻ, lãi suất vay vốn đã tăng 2%/năm với cả khoản vay bằng tiền đồng lẫn ngoại tệ. Trớ trêu là ngay cả khi có tiền trả nợ, vị này cho biết cũng không dám trả nợ ngân hàng do sợ ngân hàng không giải ngân khoản vay mới khi có đơn hàng xuất khẩu. Theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là siết chặt cho vay lĩnh vực bất động sản, nhưng trên thực tế, các ngân hàng vẫn tập trung cho lĩnh vực này nên khi hết room lại siết cào bằng khiến doanh nghiệp thương mại cũng không có vốn để kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn phản ánh tình trạng muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Việc này làm tăng thêm chi phí và gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khi chi phí đầu vào cũng đang chịu áp lực tăng.

Có thể thấy, vấn đề thanh khoản trên thị trường đang khiến doanh nghiệp khó vay vốn. Theo khảo sát, tính đến cuối tháng 9/2022, ở nhiều ngân hàng, tốc độ cho vay đang nhanh hơn hẳn so với huy động tiền gửi tiết kiệm. Chẳng hạn, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tại VPBank lên tới 145,1%; SeABank là 132,3%; tại Techcombank là 128,7%; VIB là 119,6%; HDBank là 118,6%…

Do đó, để kích cầu tín dụng cuối năm và “ghi điểm” chờ cấp thêm room tín dụng mới, một số ngân hàng đã thông báo chương trình ưu đãi và giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, ACB đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như giảm lãi vay, chuẩn bị sẵn sàng hạn mức tín dụng và các ưu đãi về phí. HDBank dành 120 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Agribank giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cuối năm 2022. Trong khi đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Đợt giảm lãi suất này có quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng là đợt giảm lãi suất quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank…

Khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh

Theo báo cáo kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, bình quân một tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,3%; bình quân một tháng có 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hơn nữa, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 xuống còn 50,6 điểm trong tháng 10, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn. Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định tình hình sản xuất công nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của Bộ Công Thương đã nêu kiến nghị cần giải pháp trước mắt là tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch bệnh.

Nhưng theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Trần Đình Thiên, việc tháo gỡ vốn phải được tập trung hàng đầu và căn cứ vào các dự án, không nên đưa ra các quy định chung chung thì sẽ khó xét duyệt giải ngân. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu không tập trung cứu doanh nghiệp thì nền kinh tế có thể đánh mất những thành quả đã đạt được. Nên trong lúc này, cần có sự thông hiểu của Chính phủ với doanh nghiệp, cũng như trong cấu trúc của cộng đồng doanh nghiệp phải có sự hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt là hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp phải có sự thông suốt với nhau.

Đưa ra dự báo thời điểm doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng vốn, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho biết, hiện nay, mức thâm dụng vốn của doanh nghiệp đang tăng mạnh dẫn đến khan tiền. Kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô, nên đến quý 2/2023, hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, sự hạ nhiệt của USD là cơ hội để các ngân hàng xem lại lãi suất cho vay các doanh nghiệp, tạo dư địa để NHNN điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất VND liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.

Theo HQ Online