Đón ‘gió’ thuận đầu năm, kinh tế Việt Nam 2024 sẽ bứt tốc

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã có đơn hàng tới quý II/2023, lạm phát ở các thị trường lớn được kiểm soát và người tiêu dùng chịu “mở hầu” bao hơn… Đó là những “cơn gió” thuận tạo đà để kinh tế 2024 phục hồi mạnh mẽ sau một thời gian dài khó khăn.

Với tinh thần đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bắt tay ngay vào sản xuất, thắp sáng nhà máy tới khuya ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Thìn để kịp giao hàng đúng tiến độ.

Không còn tâm lý ‘tháng Giêng là tháng ăn chơi’

Khác với tình cảnh như năm 2023, năm nay ngành dệt may đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Công ty CP May Vinatex Đà Nẵng đã khai Xuân ngày Mùng 7 Tháng Giêng năm Giáp Thìn. Ông Nguyễn Tiếp Hiệp, Giám đốc công ty cho biết hiện, DN đã nhận được đơn hàng đảm bảo việc làm cho công nhân đến hết tháng 7/2024. Năm 2024, nhà máy sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm đơn hàng và tuyển dụng thêm 200 – 300 công nhân. DN cũng phấn đấu tăng thu nhập cho người lao động từ 1 – 2 triệu đồng/người/tháng so với 2023.

Hoạt động sản xuất sôi động ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.

Đối với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, ngay khi vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết, tại các nhà máy của đơn vị đã hoạt động nhộn nhịp trở lại với nhiều đơn hàng. Toàn công ty đang nỗ lực phấn đấu trong 14 ngày ra quân sau Tết sẽ hoàn thành 500 container hàng xuất khẩu, trong đó chủ yếu là đơn hàng xuất khẩu cà phê. Theo ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc công ty, đơn vị này vừa xuất 572 tấn cà phê ra thị trường nước ngoài. Dự kiến hết tháng 2/2024, công ty sẽ xuất khẩu 11.000 tấn cà phê và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 125.000 tấn cà phê trong năm 2024.

Cùng chung không khí sôi động trên, ngay những ngày đầu năm mới 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã trúng gói thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với hơn 60 nghìn tấn gạo trong tổng số 500 nghìn tấn. Đến nay, Lộc Trời đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Các khách hàng từ thị trường truyền thống vẫn duy trì và thậm chí tăng đơn hàng so với năm cũ.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, phân tích sản xuất chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, vì vậy việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thêm vào đó, gần 10% lực lượng lao động của Việt Nam đang làm việc cho các công ty FDI với mức lương tương đối cao. Theo Tổng cục Thống kê, các công ty FDI đã cắt giảm nhân công vào đầu năm 2023, cũng là một lý do khiến GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,3% trong quý I/2023, nhưng lao động trong ngành sản xuất đã phục hồi sau đợt cắt giảm năm ngoái. Lương nhân công nhà máy cũng hồi phục 5-7% sau khi đã chạm đáy vào năm ngoái.

Vì vậy, vị chuyên gia này nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ được thúc đẩy từ việc tăng cường hoạt động sản xuất và mức tiêu dùng cao hơn trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa, những điểm yếu trong năm 2023 do sự cắt giảm nhân công và các vấn đề của ngành bất động sản, sẽ hồi phục. “Tuy không kỳ vọng chi tiêu cho tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh trong quý I, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng mức chi tiêu cho tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ mạnh hơn trong giai đoạn sau của năm nay”, ông Michael Kokalari nói.

Vẫn cẩn trọng với rủi ro tiềm ẩn 

Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, sự chú ý toàn cầu về Việt Nam như một điểm đến hàng đầu dành cho doanh nhân và khách du lịch cũng báo hiệu sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Đây là những con số đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần quan sát thận trọng. Chỉ số niềm tin kinh doanh vẫn ở dưới mức trung bình và hơn 1/3 số DN dự đoán sẽ hoạt động kém hiệu quả.

Trước sự cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực, điều quan trọng với Việt Nam được Chủ tịch EuroCham nhắc tới là phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng để giảm chi phí hậu cần, đồng thời với việc nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh trong quỹ đạo tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị – kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Bối cảnh đó đòi hỏi phải ứng phó, thích ứng kịp thời, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới, tận dụng cơ hội, thời cơ để phát triển bứt phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng nhanh, bền vững và thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và 05 năm đã đặt ra”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh rằng, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tập trung vào 03 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Chủ động tham mưu, ban hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại… để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Về tài khóa, thực hiện tốt các chính sách đã được Quốc hội thông qua, cấp có thẩm quyền ban hành; theo dõi diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để có giải pháp phù hợp; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí lệ phí.

Về tiền tệ, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân.

-7772-1708501780.png

Ông Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Tháng 1/2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh 18,3%, xuất khẩu tăng 42%. Nguồn cung các mặt hàng tại thị trường trong nước dồi dào, doanh thu dịch vụ tăng khá. Đây là những tín hiệu khả quan bước đầu. Tuy vậy, dự báo những tháng tiếp theo, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, chính trị của thế giới. Theo đó, các địa phương cần phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các DN, phấn đấu đạt được mục tiêu về sản xuất, kinh doanh.

-3980-1708501781.png

Ông Tô Hoài Nam

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam

Bước vào năm mới, cộng đồng DN Việt Nam đang có động lực, tinh thần phát triển mạnh mẽ, cũng như tìm hướng đi mới. Cùng với những giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xóa bỏ các rào cản kinh doanh thì kỳ vọng hoạt động kinh doanh của DN trong năm 2024 sẽ khởi sắc hơn.

-6626-1708501781.png

Ông Adam Sitkoff

Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Mỹ (AmCham) tại Hà Nội

Tôi nhận thấy có nhiều cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. Quá trình đó không chỉ giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài mà còn góp phần cải thiện vị thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, song kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực nếu môi trường kinh doanh được cải thiện giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí tuân thủ và giảm rủi ro kinh doanh. Có nhiều cách để cải thiện môi trường kinh doanh và chúng tôi đánh giá cao nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số quy định phiền phức, làm gia tăng thủ tục hành chính trong các văn bản pháp luật đang được xây dựng.

Theo Vnbusiness