Nhiều dự báo cho thấy, năm 2024 cổ phiếu ngành cao su sẽ hưởng lợi nhờ động lực tăng giá đến từ việc giá cao su liên tục tăng phi mã những tháng đầu năm 2024.
Cổ phiếu ngành cao su đã có bước tăng trưởng mạnh sau nhiều biến động của giá cao su trong thời gian qua. Phiên giao dịch ngày 16/3, cổ phiếu GVR – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – tăng lên 34.600 đồng/cp; Cổ phiếu DPR – CTCP Cao su Đồng Phú – tăng lên 40.600 đồng/cp; Cổ phiếu DRI – CTCP Cao su Đắk Lắk cũng tăng giá mạnh lên sát 11.000 đồng/cp với khối lượng và thanh khoản lớn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngành cao su tăng mạnh vừa qua?
Theo nhận định và ước tính của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), tình trạng thiếu nguồn cung cao su có thể tiếp tục trong năm 2024-2025 khi thị trường toàn cầu chứng kiến thâm hụt khoảng 600-800 nghìn tấn mỗi năm. Sự thâm hụt này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4%-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, nguồn cung sẽ bị hạn chế với mức tăng trưởng nhẹ, bình quân chỉ khoảng 1%-3% mỗi năm. Nguyên nhân là do dịch bệnh lá cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi năm 2024 là năm đặc biệt của pha chuyển giao giữa El-Nino và La-Nina. Thêm vào đó, nguồn cung cũng đã giảm đáng kể khi các hộ kinh doanh chuyển sang trồng các cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao su giảm mạnh thời gian qua.
Thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến giá cao su tăng. Và theo quan điểm của PHS, triển vọng tăng trưởng dành cho các doanh nghiệp ngành cao su vẫn đang rất tích cực trong cả ngắn hạn và trung hạn, với động lực sẽ đến từ 02 yếu tố sau: Hoạt động kinh doanh cốt lõi, tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng giá bán và khả năng tăng thị phần xuất khẩu khi các thị trường khác phải đối mặt với sự thiếu hụt cung trong giai đoạn tới. Ngoài ra, với các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận Quản lý rừng bền vững VFCO/PEFC, sẽ có lợi thế rất lớn trong việc cung cấp vật liệu, sản phẩm cho các nhà sản xuất tại thị trường EU khi Đạo luật chống phá rừng có hiệu lực từ năm 2025.
Theo Hiệp hội sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), thị trường tiêu thụ ô tô nội địa Trung Quốc vẫn còn tiềm năng rất lớn ở các thành phố lớn và đồng thời ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, thị trường vẫn đang kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách hạn chế về sở hữu ô tô ở các thành phố sẽ giúp cho việc tiêu thụ xe hơi giai đoạn tới giữ được tăng trưởng mạnh. Hiện giá cao su đã có 6 tháng tăng liên tiếp từ tháng 08/2023 với mức tăng từ 20%-30% cho 02 loại TSR20 và RSS3, nhờ vào nhu cầu từ các thị trường chính như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2023.
Đồng thời, tình trạng thiếu nguồn cung vào cuối năm do mưa lớn tại Thái Lan đã giữ cho giá tiếp tục được duy trì đến năm 2024. Đáng chú ý, theo nghiên cứu và tìm hiểu từ PHS, mùa vụ khai thác cao điểm của cây cao su rơi vào giai đoạn từ cuối Quý III sau khi trải qua giai đoạn nghỉ thay lá từ khoảng tháng 2 đến tháng 5. Do đó, các nhà sản xuất thường tập trung đẩy mạnh mua hàng vào giai đoạn cuối năm sau khi dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Vì vậy, PHS cho rằng đến giai đoạn nửa cuối năm sẽ là thời điểm chính để xác biến động giá cao su trong vòng 1 năm tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất trong quy hoạch chuyển đổi sẽ được hưởng lợi từ việc bồi thường đất hoặc phát triển mảng kinh doanh Bất động sản khu công nghiệp. Với các chủ trương phát triển ngành đã có sự thống nhất, đồng bộ từ các cấp, Bộ Nông nghiệp & PT Nông thôn với Quyết định số 431/QĐ-BNNTT về “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” và Quyết định số 326/QD-TTg về Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch các tỉnh giai đoạn 2021-2030 đã được chấp thuận và triển khai trong giai đoạn tới…
Do vậy, đây là những yếu tố khiến cổ phiếu ngành cao su hưởng lợi. Các chuyên viên phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu ngành cao su để hưởng lợi ngay trong thời gian tới.