Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đi kèm với sự “bùng nổ” mạnh về thanh khoản bất kể là giá cổ phiếu tăng hay giảm cho thấy dòng tiền luân chuyển tích cực và bên mua – bán đều hài lòng. Điều này thể hiện những dấu hiệu của dòng tiền lớn gia nhập thị trường chứng khoán.
Theo thống kê, trong tuần trước (2-5/1), thanh khoản toàn thị trường trung bình đạt 20.379 tỷ đồng/phiên, tăng 11,6% so với tuần trước đó. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh tăng vọt 33,9%, lên mức 19.020 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản tỷ USD trở lại
Đáng chú ý, việc dòng tiền bất ngờ trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng – nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, giúp thanh khoản trên sàn HoSE đã chạm đến 1 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 4/1, tăng tới 85,6% so với phiên trước đó.
Tiếp nối sang phiên đầu tuần này (8/1), thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index tăng hơn 5 điểm cùng thanh khoản tăng trên 17% so với phiên cuối tuần trước đó, bất chấp việc khối ngoại quay lại bán ròng.
Ngược thời gian, giai đoạn tháng 12/2023, thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức thấp, khi thanh khoản bình quân tụt dốc về quanh ngưỡng 13.000 tỷ đồng/phiên, trong khi trước đó, giá trị giao dịch trung bình trong tháng 11 là 16.562 tỷ đồng/phiên, tháng 10 là 14.285 tỷ đồng/phiên, tháng 9 là 22.124 tỷ đồng/phiên,…
Thậm chí, khối lượng khớp lệnh trên HoSE trong tháng 12 có phiên còn “rớt” về mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, bị “nhúng” xuống dưới 10.000 tỷ đồng.
Thời điểm đó, giới phân tích nhìn nhận dòng tiền thu hẹp là điều không bất ngờ ở giai đoạn cuối năm trước hiệu ứng tâm lý nghỉ ngơi đang lan rộng. Bởi giai đoạn cuối năm thường chứng kiến tâm lý chốt lời trên diện rộng của nhà đầu tư ngắn hạn nhằm hiện thực hóa khoản lợi nhuận để “yên tâm ăn Tết”.
Nhiều ý kiến cho rằng dòng tiền đang tạm thời “nằm im chờ thời”. Theo thông lệ, TTCK thường ảm đạm cuối năm và hưng phấn vào đầu năm. Vì vậy, muộn nhất là sau Tết Nguyên đán, TTCK lại được chứng kiến dòng tiền dồi dào.
Thực tế, ngay từ những phiên đầu năm 2024, kỳ vọng tích cực về “hiệu ứng tháng Giêng” với một cái Tết ấm no dựa trên những yếu tố hỗ trợ tích cực hơn từ kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã kích hoạt dòng tiền mạnh mẽ tìm đến, nhất là khi thị trường vàng cũng bắt đầu có những tín hiệu hạ nhiệt sau đợt đầu cơ mạnh mẽ.
“Hiệu ứng tháng Giêng sẽ xuất hiện ở năm mới 2024, là dựa trên sự kỳ vọng dòng tiền tất toán trước năm tài chính cũ sẽ tái gia nhập trở lại, cũng như sự dịch chuyển dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối, tiết kiệm… sang chứng khoán”, ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia phân tích Chứng khoán Phú Hưng nêu.
Mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ dòng tiền
Nhìn xa hơn, nhiều chuyên gia đánh giá, dư địa cắt giảm lãi suất ngân hàng vẫn còn, tạo mặt bằng lãi suất thấp và ổn định cũng là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên TTCK năm mới.
Trong báo cáo vừa cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng lãi suất huy động dự kiến biến động đi ngang ở vùng thấp, trong khi lãi vay tiếp tục giảm, hỗ trợ xu hướng TTCK năm 2024.
Theo KBSV, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn theo hướng nới lỏng khi mà áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Cụ thể, với việc xu hướng giảm lạm phát đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024, hỗ trợ xu hướng ổn định lạm phát của Việt Nam.
Đối với tỷ giá, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đảo chiều hạ lãi suất trong năm 2024 sẽ giúp áp lực tỷ giá không còn là yếu tố đáng ngại trong năm sau. Trong kịch bản cơ sở, NHNN có thể tiếp tục giảm 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành và tỷ giá sẽ giảm khoảng 0,5% trong năm 2024.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Chứng khoán MB (MBS), định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Ngoài ra, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương thậm chí thấp hơn giai đoạn Covid-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 19,2%.
“Nhìn về năm 2024, kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024 với tổng mức giảm khoảng 100 điểm cơ bản xuống mức 4,5% cuối năm 2024. Thông thường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi”, bà Hiền cho hay.
Bên cạnh đó, chuyên gia MBS cho rằng một yếu tố hỗ trợ tích cực khác cho TTCK năm 2024 là việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.
Tương tự, trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh, lần đầu tiên sau 2 năm tăng lãi suất, tại cuộc họp tháng 12/2023, FED đã phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Trong khi việc FED giảm lãi suất chắc chắn sẽ xảy ra, thì vấn đề quan trọng là cách thức ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất. Điều này củng cố sự ổn định không chỉ của môi trường vĩ mô thế giới mà còn giảm áp lực điều hành tỷ giá của Việt Nam và rộng hơn là chính sách tiền tệ.
“Định giá thấp gần với mức lịch sử 3 năm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ hạn chế rủi ro giảm giá sâu của thị trường. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng các nhóm ngân hàng thương mại ổn định 5% – 6%. Thanh khoản trung bình phiên phần lớn trong khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng, và lên tới 25.000 tỷ đồng trong giai đoạn thị trường thuận lợi”, VDSC dự báo.