Dòng tiền trong nền kinh tế đã chảy đi đâu?

Tiền trong nền kinh tế đã chảy đi đâu? Tại sao các doanh nghiệp đều thiếu vốn? Doanh nghiệp cần làm gì để có vốn trong bối cảnh hiện nay? Đó là những vấn đề đã được đặt ra vào thảo luận tại chương trình Cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 66 với chủ đề: “Tìm giải pháp tài chính doanh nghiệp trong tình hình hiện nay” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức ngày 26/11.

Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình. Ảnh: N.H

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Chủ tịch HUBA cho biết, hiện các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn cao điểm kinh doanh cuối năm. Nhưng sự tắc nghẽn dòng vốn cùng những thách thức từ thị trường trong nước và quốc tế khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp là rất cần thiết.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho biết nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với 2 thách thức. Cụ thể, trên thế giới, các vấn đề lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh… đang tác động rất lớn tới Việt Nam. Thậm chí các dự báo đều cho rằng từ quý 4/2022 và đến năm 2023, kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm. Kéo theo đó, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày… đều đang thiếu đơn hàng.

Trong khi đó, ở trong nước, những biện pháp của Chính phủ nhằm xử lý những bất cập, tồn tại nhằm lành mạnh hoá thị trường tài chính, tiền tệ đang khiến cho dòng vốn bị ngưng trệ. “Tác động kép này đang diễn ra và nhìn bề ngoài thì có vẻ như kinh tế đang ổn, nhưng thực chất bên trong lại có sóng ngầm, đặc biệt là vấn đề niềm tin” – TS Trần Du lịch chia sẻ.

Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi mà nhiều người đặt ra hiện nay là tiền trong nền kinh tế đã chảy đi đâu, tại sao các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng thiếu tiền. Trả lời câu hỏi này, TS Trần Du Lịch khẳng định: nền kinh tế không thiếu tiền, nhưng lại đang thiếu vốn. Chính bởi những điểm nghẽn mà tiền không thể chuyển thành vốn cho nền kinh tế.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á lý giải thêm rằng trước đây các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hoá thường được trả chậm. Nhưng nay do tình hình khó khăn cùng chính sách thắt chặt của các nước, dòng tiền tín dụng thương mại giảm rất mạnh, vì vậy các đối tác nước ngoài đã yêu cầu thanh toán sớm. Điều này đã góp phần khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu tiền.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM cũng nhận định, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro. Khi thị trường bị tác động, chính những doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ bị tác động đầu tiên và trở tay không kịp. Theo đó, các doanh nghiệp cũng cần tự xem lại mình, tái cấu trúc lại doanh nghiệp.

Ông Thanh cũng đánh giá, trong bối cảnh hiện nay việc huy động vốn qua trái phiếu sẽ khá khó khăn, tuy nhiên, doanh nghiệp có thể huy động bằng cách bán cổ phần. Nhiều doanh nghiệp hiện có sẵn tiền mặt và đang tìm kiếm doanh nghiệp để đầu tư vào theo hình thức M&A. Về vấn đề room tín dụng, ông Thanh khuyến nghị doanh nghiệp cần có mối quan hệ với vài ngân hàng và có hạn mức tín dụng dự phòng để khi ngân hàng này hết room thì có thể vay được ở ngân hàng khác còn room.

Về vốn đầu tư, ông Thanh thông tin, hiện HFIC đang làm việc với Ngân hàng Thế giới để phát hành trái phiếu xanh với hạn mức đăng ký là 200 triệu USD dành cho các dự án như đốt rác phát điện, xe điện, điện mặt trời… Theo ông Thanh, HFIC cho vay đầu tư với lãi suất rất cạnh tranh, với điều kiện doanh nghiệp phải thuộc các lĩnh vực cho vay của công ty như cơ sở hạ tầng, môi trường, y tế, giáo dục, công nghiệp hỗ trợ… “Nếu doanh nghiệp có dự án thuộc những lĩnh vực này, HFIC sẵn sàng cho vay hoặc đầu tư với hạn mức tuỳ theo từng dự án, không giới hạn về quy mô” – ông Thanh cho biết.

TS Trần Du Lịch bổ sung thêm rằng, trong khi nền kinh tế thiếu vốn thì 900.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của Chính phủ vẫn đang “bất động”. Nếu khai thông được nguồn vốn này vào các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng thì sẽ tạo tính lan toả rất lớn cho nền kinh tế.

“Để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ cần nhiều giải pháp, trong đó giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp chủ yếu để “kích” nền kinh tế lên, còn bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ có lời giải riêng cho bài toán của mình” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng cần được kích thích nhằm tăng tổng cầu, khi đó dòng tiền sẽ tự động chảy vào nền kinh tế.

Theo HQ Online