Trong giao dịch sáng 20/10 tại thị trường Tokyo, đồng Yên đang tiệm cận gần ngưỡng 150 Yên đổi 1 USD. Ngay sau biến động này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản đã tái khẳng định cam kết sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với thị trường ngoại hối.
9 giờ sáng ngày 20/10 tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 149,82 đến 149,83 Yên đổi 1 USD, tăng nhẹ so với lúc 17 giờ chiều 19/10 nhưng lại giảm nhẹ so với mức giá giao dịch 149,86 đến 149,96 Yên đổi 1 USD trên thị trường New York cùng thời điểm đó.
Phản ứng biến động quá mức trên thị trường ngoại hối này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi đã tái khẳng định cam kết có các biện pháp thích hợp để đối phó.
“Sự suy yếu nhanh và một chiều của đồng Yên gần đây là điều không ai mong muốn. Những biến động quá mức này do các giao dịch đầu cơ gây ra là điều khó chấp nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường một cách sát sao” – ông Suzuki cho biết.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã nhấn mạnh lại quan điểm lâu nay rằng sự ổn định trên thị trường ngoại hối là rất quan trọng: “Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp, vì điều đó cần thiết hỗ trợ cho nền kinh tế đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững và ổn định để củng cố việc tăng lương”.
Hôm 22/9 vừa qua, Bộ Tài chính Nhật Bản đã phải thực hiện việc bán đồng USD mua đồng Yên sau khi tỷ giá giữa hai đồng tiền trên thị trường Tokyo tăng lên mức 145,9 Yên đổi 1 USD.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường bằng cách này. Theo hãng tin Kyodo, tháng trước Nhật Bản đã chi 2.840 tỷ Yên, tương đương với 19 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Với việc ngưỡng hỗ trợ quan trọng đã bị thủng, đà mất giá của đồng Yên có thể sẽ tăng tốc. Vì vậy, nhiều khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng Yên.
Tuy nhiên, hành động can thiệp đơn phương này có thể sẽ không có nhiều tác dụng khi khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn tiếp tục nới rộng. Do đó, điều quan trọng lúc này đối với Nhật Bản là phải thu hẹp khoảng cách lãi suất với Mỹ nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra bên ngoài, đồng thời tìm kiếm sự phối hợp của Mỹ và các nước thành viên khác trong nhóm G7 như họ đã từng làm hồi năm 2012.
Đồng Yên và nhiều đồng tiền khác, trong đó có đồng Nhân Dân Tệ đang giảm mạnh so với đồng USD do những khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều chuyên gia cảnh báo, khủng hoảng tài chính năm 1997 lặp lại khi Yên, Nhân Dân Tệ liên tục yếu đi so với đồng USD.
Xu hướng này sẽ đe dọa vị thế châu Á – điểm đến yêu thích của nhà đầu tư muốn mạo hiểm. Bên cạnh đó, việc này cũng có thể tạo ra cuộc hạ giá nguy hiểm, gây sụt giảm nhu cầu và niềm tin tiêu dùng.
Trên thị trường tài chính, ảnh hưởng của Tokyo và Bắc Kinh thậm chí còn lớn hơn. Nhân Dân Tệ ngày càng được sử dụng phổ biến tại châu Á, trong khi đó, Yên là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 3 toàn cầu. Vì vậy, việc Yên Nhật Bản yếu đi sẽ có tác động lớn đến tiền tệ châu Á.
Tuy nhiên, không có gì bảo đảm việc Nhân Dân Tệ và Yên mất giá thêm nữa sẽ gây ra biến động tài chính so với thập niên 90. Các nước châu Á hiện có tài chính ổn định hơn nhiều, họ có dự trữ ngoại hối lớn và ít vay USD hơn, dù vậy, rủi ro vẫn luôn hiện hữu.
Theo Doanhnhansaigon