“Đột phá kép” trong kỷ nguyên mới

Yêu cầu lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là phải tiến hành đồng bộ “đột phá kép”.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tạo cơ sở đột phá phát triển trong kỷ nguyên mới. (Sinh viên nghiên cứu thực hành tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Thanh Vũ)

GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra song hành với kỷ nguyên số, kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, mà tiếng nói chung của nhân loại là “không có gì là không thể”. “Cái hôm qua là không thể, nhưng cái hôm nay và ngày mai là rất có thể. Đây là ngôn ngữ của kỷ nguyên số”, GS, TS Phùng Hữu Phú nói.

Ông Phú khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo đang và sẽ làm “đảo lộn” phương cách suy nghĩ, sản xuất, sinh hoạt của các quốc gia, cộng đồng và của mỗi con người. Một lần nữa, thực tiễn lại đòi hỏi và tạo điều kiện để chúng ta đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức trên cơ sở kế thừa những tư duy khoa học đã tích luỹ được qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. “Chúng ta cần cởi mở, chăm chú, mạnh dạn, cầu thị, tiếp thu những tư duy mới, những xu hướng phát triển mới của nhân loại với phương châm tiến kịp và tiến cùng thời đại”, GS, TS Phùng Hữu Phú chia sẻ.

Đó là, cần có những đột phá lý luận với cách tiếp cận mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, lộ trình và bước đi của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất XHCN phù hợp với cuộc cách mạng số, kỷ nguyên số. Hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc trong kỷ nguyên mới trên cơ sở đột phá phát triển các lĩnh vực quan trọng của đất nước, đặc biệt là đột phá về khoa học công nghệ gắn với cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút phát huy nhân tài, phát triển văn hoá, con người Việt Nam, quản trị quốc gia, hiện đại hoá quốc phòng, an ninh, nâng tầm đối ngoại và ngoại giao. Chúng ta kiên định nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trên tinh thần không ngừng sáng tạo, không chủ quan duy ý chí, nhưng kiên quyết không để chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ “kìm trói” tư duy, nhận thức của chúng ta.

“Tại thời điểm này, mọi sự xơ cứng, trì trệ, bảo thủ, giáo điều đều rất nguy hiểm. Đây thực sự là cuộc cách mạng theo chân lý Hồ Chí Minh: “Cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân đó là chân lý”, GS, TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Bình luận về quản trị quốc gia hiện đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với Việt Nam, sự thay đổi này mang lại cả cơ hội và thách thức, khi quốc gia không chỉ phải nâng cao hiệu quả quản trị mà còn biết nắm bắt thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Để xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, theo ông Bình chúng ta cần đột phá về tư duy để giải quyết bài toán thể chế, đây là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. “Nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, huy động sự tham gia của các chủ thể vào quản trị quốc gia”, PGS, TS Lê Hải Bình kiến nghị.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp