Nhân dịp khởi động tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11/2022 -15/12/2022), Đại sứ quán Australia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication đã phối hợp tổ chức triển lãm nghệ thuật với chủ đề “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”.
Hoạt động thuộc chiến dịch “Nhà nhiều cột” nhằm lan tỏa những bước thay đổi tích cực trong quan niệm về vai trò giới trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Triển lãm hứa hẹn mang đến cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt và đong đầy cảm xúc.
Thông tin từ ban tổ chức, tên gọi “một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” được mượn từ câu tục ngữ “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” để đại diện cho chủ đề triển lãm – “Trần kính”. Triển lãm mong muốn “mở” nắp cơi đựng trầu và cùng nhìn vào những lớp “trần kính” (glass ceiling) đang kìm hãm những người phụ nữ. Tên gọi của triễn lãm đã bối cảnh hóa được câu chuyện về bình đẳng giới ở trong bối cảnh của Việt Nam.
Giám tuyển Đinh Thảo Linh chia sẻ trong buổi khai mạc: “Những cái khuôn mẫu giới ấy không phải từ xã hội bên ngoài, mà chính là từ gia đình, gia đình chúng ta đặt chúng ta chúng ta là con gái phải thế này hay con trai phải thế kia, phải có một con đường thế này, phải có một con đường thế kia. Hay từ chính mẹ mình, mẹ chồng mình là những người đặt ra những cái khuôn mẫu ấy, hoặc là từ những thế hệ trước, từ những người bạn, từ những người rất thân thiết đã lấy những khuôn mẫu đã đặt lên họ để tiếp tục đặt lên những người khác”
Triển góp phần cùng bóc tách khái niệm “trần kính” thông qua các tác phẩm của 10 nghệ sĩ Việt Nam. Qua các không gian biểu đạt đa dạng như điêu khắc động, nhiếp ảnh, video sắp đặt đa kênh và sắp đặt tương tác… triển lãm dẫn dắt người xem đến các trải nghiệm đa giác quan, với những góc nhìn cá nhân, suy tư và tự sự của những cô gái, những người mẹ, những người nữ lao động phổ thông về “gánh nặng kép” giữa công việc trong gia đình và ngoài xã hội.
Các tác phẩm mang theo nhiều thông điệp từ những câu chuyện cá nhân nghệ sĩ và cộng đồng. Câu chuyện đó có thể nhỏ bé như “việc nhà”, có thể đầy tâm tư về hôn nhân và gia đình, về sự sống – cái chết. Vượt ra ngoài sách vở, triển lãm sẽ cho người xem thấy vấn đề “giới” gần gũi với đời sống ra sao qua cách nó được gói ghém vào một không gian nghệ thuật đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.
Các tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm gửi đi những thông điệp về bình đẳng giới, không chỉ để chúng ta biết yêu thương, trân trọng, không lạm dụng người phụ nữ, mà còn nhìn nhận ra những khuôn mẫu, những định kiến có sẵn của xã hội, của gia đình, của chính chúng ta với những người xung quanh mình, dù là nữ hay là nam.
Theo TTV