Đường vành đai phía Tây hoàn thành nhưng người dân ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng gặp khó vì mất đường dân sinh, nhà cửa nứt, sụt lún vẫn dài cổ chờ đền bù.
Khi thi làm đường vành đai phía Tây Đà Nẵng, đơn vị thi công sử dụng đường dân sinh phục vụ dự án và cam kết sẽ làm đường gom mới thay thế nhưng đến nay chưa thực hiện. Quá trình thi công đường vành đai phía Tây, nhiều hộ nhà cửa bị nứt, sụt lún đã được kiểm định xong, chờ mãi vẫn không nhận được tiền đền bù.
Đường lớn mở xong, dân mất lối đi
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, cho biết, hiện người dân các tổ 1 và 2 của thôn 5 và thôn Hòa Trung rất bức xúc vì gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong đi lại, sinh hoạt cũng như sản xuất vì bị mất đường dân sinh sau khi Dự án đường vành đai phía Tây (giai đoạn 1) hoàn thành.
Theo ông Nhân, khi thi công đường vành đai phía Tây qua địa bàn thôn 5, đơn vị thi công sử dụng tuyến đường liên thôn (đi qua 7 thôn của xã Hòa Ninh) này để phục vụ dự án và cam kết xây dựng đường gom mới cho người dân nhưng đến nay không thực hiện.
“Sau khi đường vành đai hoàn thành thì đường dân sinh đoạn nối từ tổ 1 sang tổ 2 của thôn 5 và một phần thôn Hòa Trung bị cắt đứt. Theo kế hoạch, đoạn này sẽ được xây dựng đường gom mới. Tuy nhiên, sau khi cho máy móc san ủi được một đoạn thì công tác thi công đường gom mới tạm dừng từ đó đến nay”, ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, đường gom mới không thi công khiến 15 hộ dân tổ 1, tổ 2 (thôn 5) và khoảng 20 hộ thôn Hòa Trung gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại, sản xuất. Nếu theo đường dân sinh cũ thì từ tổ 1 sang tổ 2 của thôn 5 và một phần thôn Hòa Trung chỉ mất vài phút đi xe máy. Tuy nhiên, sau khi đường liên thôn bị cắt, để qua lại, người dân phải đi vòng khoảng gần 3km, rất bất tiện.
“Chúng tôi đã kiến nghị chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công, chính quyền nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy thi công trả lại đường gom cho dân”, ông Nhân cho biết.
Nhà ở ngay mặt tiền đường vành đai phía Tây nhưng nhiều hộ dân tại tổ 2 (thôn 5) không thể ra tuyến này để sang tổ 1 do đường gom bị cắt, không có điểm đấu nối. Vì vậy, khi muốn vận chuyển đồ đạc, hàng hóa, nông sản từ tổ 2 sang tổ 1, người dân phải đi vòng qua thôn Hòa Trung, theo đường đấu nối lên tuyến vành đai phía Tây.
“Đoạn đường liên thôn nối tổ 1 và tổ 2 trước đây chỉ khoảng 500m nhưng nay chúng tôi phải đi vòng mấy cây số, rất mất thời gian, tốn kém và bất tiện. Nhà tôi cách đường vành đai phía Tây chỉ chưa đầy 20m nhưng không thể xuống vì taluy quá cao, quá nguy hiểm, buộc phải đi vòng”, chị Vi Thị Thu Trang (trú tổ 2, thôn 5) cho biết.
Cũng theo chị Trang, khi người dân liên tục phản ánh, đơn vị thi công cho máy xúc đến san gạt taluy mở một lối đấu nối từ đường liên thôn ra đường vành đai nhưng lối mở này lại quá nguy hiểm cho người và phương tiện.
“Điểm đấu nối tạm thời này như một cái bẫy và đã có nhiều người đi xe máy bị té ngã. Đàn ông, thanh niên có thể liều chạy xe máy được chứ phụ nữ chúng tôi thì không thể. Lối mở này dốc dựng đứng, lại khuất tầm nhìn nên nó quá nguy hiểm”, chị Trang bức xúc.
Nói về sự nguy hiểm vì mất tuyến đường dân sinh, ông Nhân cho biết, thời gian qua, hầu hết người dân chọn cách đi ngược chiều trên đường vành đai phía Tây khi muốn đi từ tổ 1 sang tổ 2, trong đó có cả xe ô tô.
“Người dân đi ngược chiều rất nguy hiểm và có nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra”, ông Nhân cho biết thêm.
Theo ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, chỉ trong khoảng 30 phút (từ 16h-16h30) ngày 30/7, có nhiều xe máy, ô tô chạy ngược chiều trên tuyến đường vành đai phía Tây với chiều dài khoảng 300m để đi từ tổ 1 sang tổ 2 hoặc qua thôn Hòa Trung.
Nhà nứt vẫn mỏi cổ chờ đền bù
Anh Nguyễn Anh Nhàn (trú tổ 2, thôn 5, xã Hòa Ninh) cho biết, khi thi công dự án tuyến đường vành đai phía Tây, nhà anh và nhiều hộ dân lân cận bị lún nền, nứt tường do ảnh hưởng rung lắc quá trình lu lèn nền đường.
“Phía chủ đầu tư và đơn vị thi công có cử người tới kiểm tra, kiểm định và áp giá đền bù thiệt hại cho người dân vì nhà cửa bị hư hại, nứt tường. Tuy nhiên, từ đó tới nay đã hơn 2 năm nhưng tôi chưa nhận được tiền đền bù để sửa chữa nhà”, anh Nhàn bức xúc.
Tương tự, chị Vi Thị Thu Trang cũng bày tỏ bức xúc khi nhà cửa bị nứt, sụt lún nhưng chưa nhận được tiền đền bù dù đã được kiểm định từ lâu.
“Nhà bếp nứt toác, sợ sập nên gia đình tôi phải vay mượn tiền ngân hàng để sửa lại. Còn nhà lớn thì vẫn để vậy. Không hiểu sao đã kiểm định hơn 2 năm mà đến nay đơn vị thi công vẫn chưa chi trả khoản đền bù này cho chúng tôi. Bây giờ bắt đầu mùa mưa bão, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa sụt lún khiến người dân chúng tôi rất bức xúc, lo lắng”, chị Trang cho biết.
Cũng theo ghi nhận của PV, ngoài nhà anh Nhàn, chị Trang, một số nhà dân thuộc tổ 2, thôn 5, xã Hòa Ninh cũng bị nứt tường, sụt lún do ảnh hưởng quá trình thi công đường vành đai phía Tây. Những trường hợp này đã được các cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, áp giá nhưng đến nay chưa nhận được tiền đền bù để sửa chữa, gia cố nhà cửa.
Theo lãnh đạo UBND xã Hòa Ninh, những bất cập này đã được phản ánh đến chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Trả lời Báo Điện tử VTC News, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, quá trình thi công tuyến đường vành đai phía Tây, một số đường dân sinh hiện trạng sẽ kết nối với đường vành đai thông qua các đường gom để đảm bảo giao cắt an toàn trong quá trình lưu thông.
Đối với tuyến đường dân sinh tại thôn 5, xã Hòa Ninh kết nối với đường vành đai phía Tây qua đường nối tại Km16+250 và kết nối thông qua đường gom tại Km16+800. Vị trí đấu nối tại Km16+250 đã được thi công hoàn thành đến lớp cấp phối đá dăm. Còn đường gom nối ra nút giao tại Km16+800 còn vướng mặt bằng của một hộ dân.
“Hiện các thủ tục kiểm định, áp giá đền bù đang được thực hiện và khi có mặt bằng thì sẽ thi công ngay”, lãnh đạo chủ đầu tư cho biết.
Riêng đền bù thiệt hại nứt nhà dân do quá trình thi công gây ra, hiện đơn vị bảo hiểm đã có thông báo về việc giải quyết bảo hiểm, chủ đầu tư sẽ phối hợp các đơn vị liên quan sớm chi trả cho các trường hợp bị ảnh hưởng.
|