Từ vụ việc ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc của Bamboo Airways bị tạm dừng xuất cảnh do doanh nghiệp này nợ thuế, trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia kinh tế, Luật sư khẳng định, việc tạm hoãn xuất cảnh với doanh nhân là việc “cực chẳng đã”, không ai muốn.
Tạm dừng xuất cảnh là việc làm “cực chẳng đã, không ai muốn”
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng, Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế khẳng định: “Trước hết cơ quan thuế không làm sai bởi Luật Quản lý thuế quy định rõ về vấn đề doanh nghiệp nợ thuế, trách nhiệm của người chịu trách nhiệm về pháp lý của doanh nghiệp rất rõ ràng, cụ thể và tường minh”.
Ông Phụng cũng nhấn mạnh, Chính phủ cũng có nhiều Nghị định, quy định chi tiết về việc tăng cường hoạt động thu thuế, biện pháp quản lý thuế đối với các đối tượng nợ thuế.
Trong đó, biện pháp đề nghị tạm dừng xuất cảnh đối với doanh nhân là biện pháp cuối cùng, việc “cực chẳng đã” của cơ quan thuế, khi đã làm tất cả các biện pháp hành chính mà không thể truy thu nợ thuế.
“Biện pháp đầu tiên, nếu doanh nghiệp có nợ thuế, cơ quan thuế sẽ phát văn bản thông báo nợ thuế, phát văn bản lần 1, lần 2 yêu cầu đại diện doanh nghiệp đến làm việc. Nếu doanh nghiệp không đến làm việc, không trình bày khó khăn thì bước thứ 2, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế tài khoản ngân hàng. Bước thứ 3, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế hóa đơn và bước cuối cùng là thông báo cho cơ quan chức năng để tạm dừng xuất cảnh”, ông Phụng nói.
Tuy nhiên, ông Phụng cũng thừa nhận: Thông tin doanh nhân, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị tạm dừng xuất cảnh được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng khá nhạy cảm, ảnh hưởng không ít đến uy tín, danh dự của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các thông tin cấm xuất cảnh có thể được xem là nhạy cảm trong hợp tác với các đối tác hoặc có thể gây khó khăn cho hợp tác ngoại giao của doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra, ông Phụng cho rằng: “Nếu trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không hoàn tất nghĩa vụ thuế, trốn đóng bảo hiểm, nợ tiền người lao động. Người đại diện pháp luật xuất cảnh ra nước ngoài thì chúng ta xử lý ra sao? Đây là quy định không thể làm khác được”.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt về mặt pháp lý liên quan việc tạm dừng xuất cảnh của doanh nhân khi doanh nghiệp nợ thuế, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Tất cả quốc gia trên thế giới đều coi thuế là đạo luật quan trọng nhất của kinh doanh. Với tính chất đặc biệt như vậy, khi kinh doanh doanh nghiệp phải coi trọng và nghiêm túc với nghĩa vụ này.
“Ở các nước khác, các vấn đề vướng mắc về thuế hay vi phạm về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc rất mạnh, thậm chí xử lý khá nặng, bất kể doanh nghiệp đó có là ai. Ở ta, thì rõ ràng là chưa quen với các thông lệ về xử lý các vướng mắc, vi phạm về thuế nên cảm giác điều đó nặng nề”, ông Đức nêu.
Trả lời câu hỏi việc tạm dừng xuất cảnh đối với doanh nhân quản lý doanh nghiệp nợ thuế sẽ tác động hạ uy tín cá nhân của họ? ảnh hưởng khả năng trả nợ của họ, gây hoang mang thậm chí ảnh hưởng môi trường kinh doanh, Luật sự Đức đặt vấn đề: “Cần công bằng và minh bạch, cơ quan thuế cũng chịu ràng buộc các nghĩa vụ và làm theo quy định. Hơn nữa, họ làm từng bước chứ không phải áp dụng ngay”.
Cần cân nhắc liều lượng, hợp tình, hợp lý!
Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Về nguyên tắc hoãn, cấm xuất cảnh là đúng. Anh có kinh doanh, có làm việc ở bất kỳ đâu cũng phải thực hiện đúng và tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, cách làm, mức độ cụ thể như nào thì cần nên cân nhắc bởi có trường hợp nợ thuế vài trăm nghìn đồng cũng bị hoãn xuất cảnh, sau đó phải làm nhiều thủ tục tháo gỡ rồi mới được xuất cảnh”.
Ông Đức cho rằng, người Việt có tâm lý “hễ dính pháp luật là ngại”. Điều này khác với ở nước ngoài, việc kiện tụng nhau giữa các doanh nghiệp là điều bình thường trong kinh doanh, cạnh tranh.
“Trong tâm lý của xã hội, việc tạm dừng xuất cảnh ai đó, người ta nghĩ ngay việc doanh nghiệp đó, người đó có nguy cơ về tội hình sự, bị bắt, khởi tố… Đây là thông điệp khá nặng nề”, ông Đức bình luận.
Kiến nghị về chính sách, luật sư Đức cho rằng, người thực thi pháp luật cần hợp lý, hợp tình và hợp hoàn cảnh; không nên máy móc, căng thẳng đối với doanh nghiệp nếu doanh nghiệp quá khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Dư luận đang hiểu chưa đúng về việc hoãn xuất cảnh và đánh đồng chuyện này với môi trường kinh doanh.
“Phải xác định nợ thuế là phải xử lý vấn đề nợ thuế. Còn chuyện hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh là chuyện khác. Không đánh đồng hai chuyện này giống nhau”, ông Ánh nói.
Với ý kiến cho rằng, nợ thuế là do doanh nghiệp khó khăn, theo ông Ánh, đây là kiểu đánh giá định tính bởi không ai trả lời được nợ thuế của doanh nghiệp do cố tình hay là do doanh nghiệp gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
“Không ai có thể xác minh được chuyện họ khó khăn và nợ thuế như thế nào. Cách chúng ta vận hành hệ thống kinh tế là có nợ là phải xử lý hết số nợ đã”, TS Ánh nói.
TS Vũ Đình Ánh nói thêm, đi với nợ thuế phải có chế tài, ngoài việc tạm dừng xuất cảnh người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, còn nhiều chế tài khác đối với các doanh nghiệp nợ thuế, tuy nhiên, tạm dừng xuất cảnh là biện pháp cuối cùng được thực hiện.
Theo ông Ánh, cơ quan thuế có thu được thuế thì phải có chế tài, chỉ có điều chúng ta phải xem xét chính sách hoãn, dừng xuất cảnh này sau một thời gian có hiệu quả hay không? để tiến hành áp dụng và tăng liều, lượng hoặc bãi bỏ.
“Nợ này là nợ của doanh nghiệp, nếu cấm người đại diện xuất cảnh thì cũng chưa có hiệu quả. Bởi gây nên nợ thuế đó là trách nhiệm của nhiều người liên quan khác nhau”, ông Ánh phân tích thêm.