Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Kết quả này được cụ thể hóa ra sao, thưa ông?
TMĐT Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số TMĐT bán lẻ trực tuyến có mức tăng trưởng trung bình khoảng 16 – 30% trong 5 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất khu vực và thế giới. Đặc biệt, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan về giá trị bán lẻ trực tuyến thông qua các nền tảng, giải pháp TMĐT.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã nắm bắt cơ hội, tham gia và xây dựng sân chơi trên các nền tảng này, từng bước tăng trưởng nguồn thu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên trị trường thế giới.
– Tuy vậy, để doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trên “sân chơi” TMĐT xuyên biên giới thì vẫn còn nhiều rào cản, thưa ông?
Đúng vậy. Trong quá trình khẳng định vị thế trên “sân chơi” TMĐT xuyên biên giới đưa hàng Việt ra thế giới, các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều vướng mắc. Ví dụ như, khó khăn do thiếu nhân lực về phát triển TMĐT, thiếu thông tin thị trường, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới,… Đặc biệt, điểm yếu cần khắc phục chính là sự thiếu bài bản trong chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tập trung phát triển con đường dài hạn và đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Mặt khác, để tăng tính nhận diện với những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, địa phương, chúng ta rất cần sự liên kết phối hợp giữa các đơn vị quản lý Nhà nước, các đại diện các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp. Từ đó, mỗi loại hình sản phẩm đại diện cho thương hiệu quốc gia sẽ được cộng hưởng thêm sức mạnh, gia tăng giá trị, độ phủ sóng và thúc đẩy doanh thu mạnh mẽ cho doanh nghiệp.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt cần xác định đầu tư bài bản, nghiêm túc và hướng đến xây dựng đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, am hiểu quy định pháp luật, nền tảng tảng kinh doanh xuyên biên giới.
– Trong hành trình hòa mình vào dòng chảy thương mại toàn cầu của hàng Việt Nam, chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành của các đơn vị liên quan, thưa ông?
Chắc chắn là như vậy. Từ năm 2020, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Amazon Global Selling Việt Nam (AGS VN) với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua TMĐT.
Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Amazon Global Selling đào tạo và tập huấn quá trình xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới. Cùng đó, đào tạo hướng tới từ vấn đề cơ bản, chuyên sâu. Đặc biệt, nâng cao hơn chất lượng đào tạo, định hướng đào tạo liên kết theo ngành nghề như làm đẹp, làm bếp, chăm sóc sức khoẻ; đào tạo khoảng 2.000 doanh nghiệp với các kỹ năng chuyên sâu đáp ứng được nhu cầu để gia tăng xuất khẩu.
Những giải pháp này cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần tăng tốc xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và chuyển đổi số tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, sản phẩm mang tinh hoa Việt sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu trên bản đồ quốc tế và gia tăng giá trị của hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu.