Dưới 30% doanh nghiệp đề cập đến ESG trong báo cáo tài chính

Theo chuyên gia, giá trị của ESG không đơn thuần được đo bằng tiền, lợi nhuận hay chi phí mà qua khả năng cạnh tranh, giá trị thương hiệu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

ESG là một khái niệm ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính, là yếu tố quan trọng đánh giá tính hiệu quả, bền vững của một doanh nghiệp, đồng thời phản ánh sự tương tác của doanh nghiệp với cộng đồng và môi trường xung quanh.

ESG là một khái niệm ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính

Nhiều hạn chế và thách thức

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Khoa học (NCKH) – Học viện Ngân hàng, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những động thái tích cực như công bố báo cáo ESG, cam kết thực hành ESG, nhằm không bỏ lỡ các cơ hội cũng như phòng ngừa rủi ro liên quan đến ESG. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu hành trình này.

Mặc dù cam kết ESG ở Việt Nam đạt mức đáng khen ngợi, nhưng số liệu từ các báo cáo vẫn cho thấy tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Cụ thể, báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của Ngân hàng UOB cho thấy, 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thức rõ mức độ quan trọng của phát triển bền vững và 51% đã chính thức thực hành ESG.

Hãng kiểm toán Ernst & Young (EY) chỉ ra rằng, có dưới 30% số doanh nghiệp có đề cập đến các vấn đề liên quan đến khí hậu trong báo cáo tài chính của họ. Điều này làm nổi bật một vấn đề đáng quan ngại: nếu không xác định được mối tương quan rõ ràng giữa các tác động của biến đổi khí hậu và kết quả tài chính, các tổ chức sẽ thiếu những cái nhìn sâu sắc cần thiết để thực hiện những hành động tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính.

Sự thiếu hụt thông tin này không chỉ cản trở các doanh nghiệp trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh mà còn khiến họ dễ chịu tác động tiêu cực từ các thay đổi của môi trường.

Riêng với ngành ngân hàng hiện đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc sử dụng hiệu quả dữ liệu để đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động kinh doanh đối với môi trường. Điều này bao gồm thiếu hụt các chỉ số rõ ràng và nhất quán, làm cho việc đo lường trở nên khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng đang đẩy mạnh cải thiện các báo cáo về ESG, cũng như tăng cường sử dụng công nghệ để giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến các vấn đề môi trường. Các giải pháp công nghệ mới đang được triển khai để thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả hơn, từ đó giúp các ngân hàng đạt được sự tuân thủ tốt hơn đối với các tiêu chuẩn ESG và định hướng phát triển bền vững.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận, tiêu chuẩn ESG không chỉ là yếu tố tuân thủ thông thường mà còn là một phương pháp kinh doanh và đầu tư chiến lược. Giá trị của ESG không đơn thuần được đo bằng tiền, lợi nhuận hay chi phí mà qua khả năng cạnh tranh, giá trị thương hiệu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đây không phải là một khẩu hiệu chính trị hay cam kết mang tính hình thức của doanh nghiệp, mà là yêu cầu thiết yếu từ cuộc sống và thị trường, đồng thời là điều mà người tiêu dùng ngày càng mong đợi từ các chính sách và tiêu chuẩn xã hội. Việc áp dụng ESG đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và hành động chung của cả cộng đồng doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn.

“Hiện nay, việc triển khai ESG đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có sự thiếu hụt kiến thức và giới hạn về nguồn lực. Những rào cản này khiến cho nhiều doanh nghiệp còn e ngại trong việc tiếp cận và áp dụng ESG, mặc dù có mong muốn cải thiện”, ông Thành lý giải.

Giải pháp thúc đẩy thực hành ESG

Hiện nay, việc triển khai ESG đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có sự thiếu hụt kiến thức và giới hạn về nguồn lực

Để có thể thực hiện tốt các cam kết về ESG cũng như nâng cao chất lượng công bố báo cáo ESG nhằm đóng góp vào tiến trình phát triển bền vững của quốc gia, nhóm chuyên gia tại Viện NCNH đề xuất một số giải pháp như: Thứ nhất, cần tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh, quá trình quản trị rủi ro và đánh giá hiệu suất thông qua việc cải thiện báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó có thể giúp tiết kiệm chi phí và kiến tạo giá trị lâu dài.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tích hợp kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững dài hạn với kế hoạch tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đem lại hiệu quả tổng thể cao nhất trong thực thi.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển bền vững trong doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào đối tượng quản lý cấp cao, thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, tọa đàm về ESG. Hiểu biết và nhận thức của lãnh đạo cấp cao sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong việc truyền đạt rõ ràng, phối hợp và dẫn dắt toàn công ty trong quá trình triển khai ESG.

Thứ ba, xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất ESG phù hợp và hiệu quả từ trên xuống. Hệ thống này có thể bao gồm một vị trí quản lý cấp cao chuyên trách xây dựng và lãnh đạo toàn bộ hoạt động ESG; xác định chương trình thảo luận cụ thể về các nội dung ESG ở cấp hội đồng quản trị và ban điều hành; cơ chế báo cáo cũng như thông tin được báo cáo cho các cấp này và đưa ra các chỉ tiêu hiệu suất (KPI) rõ ràng liên quan đến ESG để xác định lương thưởng của hội đồng quản trị và nhóm chuyên trách ESG.

Thứ tư, nâng cao cơ sở hạ tầng về công nghệ nhằm hỗ trợ khai thác dữ liệu và lập báo cáo về ESG. Trong đó, có thể tận dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), chuỗi khối (blockchain)… nhằm thu thập dữ liệu lớn liên quan đến ESG cũng như xây dựng các chỉ tiêu đánh giá ESG, phục vụ cho báo cáo ESG.

Thứ năm, chất lượng dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng để trình bày thông tin một cách hữu ích cho những người ra quyết định. Dữ liệu ESG ngoài việc phục vụ cho mục đích công bố thông tin ESG, còn phục vụ cho các mục đích khác như xây dựng các mô hình đo lường rủi ro khí hậu, kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu, các bộ tiêu chí xếp hạng ESG và nhiều mục đích khác.

Bên cạnh dữ liệu định tính (như phân tích, đánh giá từ chuyên gia hay tổ chức về mức độ cam kết ESG), các doanh nghiệp cần phát triển và đo lường các dữ liệu định lượng.

Các doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện các công việc sau: (1) Xác định các nội dung hoặc mục đích thu thập dữ liệu ESG; (2) Đánh giá thực trạng dữ liệu hiện tại và xây dựng chiến lược thu thập dữ liệu còn thiếu; (3) Xác định giải pháp nền tảng lưu trữ và quản lý dữ liệu ESG; (4) Đưa các yêu cầu dữ liệu ESG vào quy trình lõi tương ứng của tổ chức; (5) Xây dựng các quy định cụ thể về quản trị dữ liệu ESG.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng công bố thông tin về ESG. Các doanh nghiệp cần công khai, cập nhật đầy đủ và rõ ràng, dễ tra cứu và dễ kiểm chứng các thông tin, chính sách liên quan tới ESG. Việc công bố thông tin phải được truyền thông rộng rãi trên tất cả các nguồn: trang web, thông cáo báo chí, báo cáo thường niên (có bổ sung báo cáo phát triển bền vững). Các doanh nghiệp có thể tham khảo các chuẩn mực công bố thông tin quốc tế phổ biến như GRI, TCFD, SASB. Nâng cao mức độ công bố thông tin sẽ là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu về ESG, hướng đến tính minh bạch trong toàn bộ hệ thống.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác với các đối tác có công nghệ thông minh và chuyên môn đặc thù về ESG; đủ năng lực tư vấn, đào tạo, nhằm giúp tổ chức xác định chính xác đâu là cơ hội và nơi nào cần cải tiến và thay đổi; giúp công ty thiết lập hiệu suất cơ bản để có thể đặt ra các mục tiêu ESG. Các doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn đối tác là các tổ chức nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và khả năng chuyên môn trong việc thực hành ESG, hoạt động trong cùng lĩnh vực hoặc có mô hình kinh doanh tương tự.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp