Đường ven sông Sài Gòn được đề xuất từ cầu Cần Giờ tới Củ Chi

Đường ven sông Sài Gòn được đề xuất kéo dài từ Cầu Cần Giờ tới Củ Chi với quy mô tối thiểu 4 làn xe cơ giới, chia làm 6 đoạn.

Liên danh tư vấn vừa có báo cáo lần 3 – kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Quan điểm của Sở Giao thông vận tải TP.HCM là làm đường ven sông Sài Gòn kết nối lên tận Củ Chi, Tây Ninh.

Theo đó, đồ án nêu ra 7 chiến lược phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn. Trong đó, chiến lược thứ ba nhấn mạnh việc kết nối giao thông, bao gồm cả đường bộ, tuyến đường đi xe đạp, đường dạo, giao thông công cộng dọc theo sông Sài Gòn và sông, kênh rạch chính.

Theo liên danh tư vấn, đường ven sông Sài Gòn tạo trục giao thông mới ven sông, chia sẻ áp lực giao thông với các trục giao thông theo hướng Bắc – Nam. Đồng thời, tuyến đường ven sông giúp khai thác các quỹ đất dọc tuyến tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương phục vụ đầu tư phát triển.

Đường ven sông Sài Gòn được đề xuất kéo dài từ Cầu Cần Giờ tới Củ Chi với quy mô tối thiểu 4 làn xe kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt nhẹ.

Tuyến đường này sẽ chia thành 6 đoạn. Trong đó, đoạn 1 từ cầu Cần Giờ đến cầu Phú Mỹ; đoạn 2 từ cầu Phú Mỹ đến cầu Khánh Hội; đoạn 3 từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Sài Gòn; đoạn 4 từ cầu Sài Gòn đến đường Phạm Văn Đồng; đoạn 5 từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Vành đai 3; đoạn 6 từ Vành đai 3 đến cầu Bến Súc và đường tỉnh 789.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay về mặt quy hoạch các tuyến đường ven sông, quan điểm của sở là bố trí đường ven sông kết nối lên tận Củ Chi và tỉnh Tây Ninh.

Theo ông Bằng, quy hoạch tỉnh Bình Dương cũng nghiên cứu làm đường ven sông Sài Gòn. Vì vậy, đơn vị tư vấn cũng đồng thuận với quan điểm của Sở Giao thông vận tải TP là có đường giao thông kết nối ven sông Sài Gòn.

Nhiều tuyến mới

Liên danh tư vấn đề xuất kéo dài đường Phạm Hùng về phía Nam để kết nối với nút giao thông cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng.

Đồng thời, kéo dài đường Võ Văn Kiệt về phía Tây kết nối đường Lương Hòa – Bình Chánh (Long An) về Vành đai 4 và kết nối Đức Hòa (Long An).

Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng nêu 5 tuyến đường giao thông tốc độ nhanh, khác mức với hệ thống đường đô thị để kết nối trung tâm thành phố đi cửa ngõ thành phố, gồm 3 tuyến đường Bắc – Nam, 1 tuyến Đông – Tây và đường vành đai.

Theo Tạp chí Người Đô Thị