ESG trong ngành Ngân hàng

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới hiện nay phải đối mặt và có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến những khu vực dễ bị tác động trên thế giới. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tin tưởng vào một hành trình dịch chuyển công bằng mang lại lợi ích cho con người và hành tinh của chúng ta. Là một ngân hàng đa quốc gia hàng đầu, Standard Chartered đang nỗ lực giảm lượng phát thải carbon trong hoạt động vận hành của ngân hàng và hỗ trợ cộng đồng phục hồi, bao gồm hỗ trợ việc đổi mới, sáng tạo tại các thị trường nơi công nghệ mới có thể có tác động lớn nhất; dự định đạt mức phát thải carbon ròng bằng “0” trong hoạt động vận hành của ngân hàng vào năm 2025 và trong hoạt động hỗ trợ tài chính của ngân hàng vào năm 2050.

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cam kết hỗ trợ, tài trợ nguồn vốn nhằm giúp cho việc tiếp cận vốn trở nên dễ dàng hơn, giúp triển khai các dự án năng lượng sạch, giao thông và cơ sở hạ tầng mới; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính giúp thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp – thúc đẩy tăng trưởng bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
1. Vai trò của khung ESG với phát triển bền vững
Có nhiều phương pháp áp dụng khung ESG (E-Environment: Môi trường, S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị) khác nhau, bao gồm:
(i) Đầu tư có trách nhiệm là đánh giá một loạt các yếu tố ESG tác động đến lợi nhuận tài chính. Đầu tư có trách nhiệm thường bao gồm việc tập trung vào các chủ đề thiết yếu nhất đối với một ngành nghề. Việc đầu tư này sử dụng thông tin ESG trong việc ra quyết định;
(ii) Đầu tư bền vững là tìm cách kết hợp lợi nhuận tài chính và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Điều này có thể bao gồm các khoản đầu tư có đạo đức hoặc xanh và có thể chỉ tập trung vào các vấn đề môi trường hoặc kết quả đầu tư như đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc như một ưu tiên cùng với lợi nhuận tài chính.
Các nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà quản lí tài sản, có xu hướng xem xét tính bền vững của các công ty được đầu tư thông qua lăng kính “Môi trường”, “Xã hội” và “Quản trị” hay còn gọi là ESG. Điều này đã thay đổi đáng kể so với các khoản đầu tư trước đây vốn chủ yếu tập trung vào “Quản trị”, chỉ một phần nhỏ tập trung vào các vấn đề “Môi trường” trọng điểm. Điều đó cho thấy, đầu tư vào ESG hiện là xu hướng chủ đạo đối với các nhà đầu tư để nhận ra rằng, hiệu quả của công ty trên một số danh mục ESG là thước đo mạnh mẽ về hiệu quả tổng thể và tính bền vững của công ty đó.
Kể từ khi thị trường suy thoái vì đại dịch Covid-19, cổ phiếu có liên quan đến ESG liên tục tăng trưởng tốt hơn các chỉ số S&P 500 và MSCI Europe. Xu hướng này thể hiện sự ưa thích ngày càng tăng của nhà đầu tư đối với các công ty có tiếp nhận quan điểm của các bên liên quan đối với hoạt động kinh doanh của họ thay vì chỉ thuần túy tiếp nhận quan điểm của cổ đông. Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhìn lại đại dịch Covid-19, các công ty hỗ trợ nhân viên, khách hàng, cũng như cộng đồng của họ và thể hiện tư duy về ESG, qua đó, ngày càng thu hút các nhà đầu tư.
Vì những lí do tương tự, khi các nền kinh tế bắt đầu thoát khỏi tình trạng đóng cửa do đại dịch Covid-19, các công ty đã vượt ra ngoài mục tiêu tăng trưởng hạn hẹp truyền thống để quan tâm đến lợi ích rộng hơn của các bên liên quan. Các công ty nhận thức rằng, họ sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để chứng minh đầy đủ cách họ đang phục vụ lợi ích rộng lớn hơn của xã hội. Những sự phát triển này đang biến ESG trở thành một hoạt động đầu tư “bình thường mới” và ngày càng có nhiều chủ sở hữu tài sản yêu cầu các nhà quản lí tài sản của họ có chiến lược đầu tư bền vững.
2. Khung pháp lí liên quan đến tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam
Có thể nói, đây là cơ hội để các cơ quan quản lí định hình xã hội mà chúng ta muốn hướng tới, tái cơ cấu nền kinh tế song song với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chọi với các tác động bên ngoài. Tại Việt Nam, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm xanh hóa sản xuất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, khuyến khích lối sống xanh và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đối với Việt Nam, để đảm bảo thực hiện thành công các tiêu chuẩn ESG, cần bao gồm các yếu tố sau:
Thứ nhất, về môi trường chính sách quốc gia: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã tạo nên nền tảng vững chắc hiện tại. Chiến lược này nêu ra các mục tiêu tổng thể, các dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015 và kế hoạch cho giai đoạn 2016 – 2025 cũng như tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh là các nguyên tắc chủ đạo để đạt được phát triển bền vững, cũng như việc hạn chế phát thải khí nhà kính là nguyên tắc để phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, về khuôn khổ và phát triển chiến lược: Khuôn khổ chiến lược được xây dựng từ các lãnh đạo chủ chốt và chuyên gia của các bộ, ngành liên quan (như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải,…) và các đối tác chiến lược như: Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (“GFANZ”). Chúng ta phải ưu tiên xanh hóa ngành tài chính – ngân hàng, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh trong tất cả các ngành nghề và đảm bảo các quy trình minh bạch cho các dự án năng lượng. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần hoạch định và thực hiện các chính sách, cải cách và quản trị theo chuẩn quốc tế, minh bạch và chuẩn hóa để thu hút nguồn tài chính từ khu vực công và tư. Tại Hội nghị COP28, tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch chi tiết về Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) của Việt Nam để hướng tới một nền kinh tế xanh tích cực và công bằng.
Thứ ba, về triển khai và quản trị, theo đó đưa ra các quy trình và hành động chính cần triển khai trong những năm tới và thập kỉ tới. Việc triển khai đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành liên quan nhằm quản lí và giám sát quy trình thực hiện gây ra biến đổi khí hậu và các tác động liên quan. Điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro quảng cáo xanh.
Thứ tư, về thách thức và đánh giá: Cần thành lập tuyến phòng thủ thứ hai với chuyên môn chuyên sâu về tài chính bền vững, quản lí rủi ro môi trường và xã hội, kiểm toán, tuân thủ, rủi ro pháp lí, rủi ro danh tiếng và rủi ro bền vững, các vấn đề tài chính và quy định pháp luật.
3. Một số nguyên tắc chung trong đánh giá rủi ro môi trường, xã hội
Một là, trong quy trình đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, các tổ chức tín dụng cần xác minh xem khách hàng có hệ thống quản lí rủi ro xã hội và môi trường hay không, hệ thống này thể hiện tính chất và quy mô hoạt động của khách hàng.
Hai là, các sản phẩm được cung cấp theo khung sản phẩm xanh và bền vững, cần tuân thủ theo các tiêu chuẩn nêu trên, cũng như tuân thủ theo yêu cầu mục đích sử dụng vốn.
Ba là, các hoạt động, mục đích sử dụng vốn. Ví dụ như tài trợ vi mô cho các nhóm dân cư dễ bị ảnh hưởng, hoặc các dự án lớn như xây dựng và/hoặc vận hành bệnh viện, phòng khám, trung tâm chăm sóc sức khỏe và cơ sở giáo dục. Khung hoạt động này không bao gồm các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động có tác động tiêu cực đến nhân quyền như lao động ép bức, lao động trẻ em hoặc xung đột…
Bốn là, đối với những khách hàng không đáp ứng được các tiêu chuẩn dự kiến hoặc có nhận thức hạn chế về rủi ro môi trường và xã hội, các tổ chức tín dụng nên cung cấp hỗ trợ thông qua nhóm chuyên gia môi trường và phát triển bền vững. Nếu khách hàng sẵn sàng cam kết thay đổi, nhóm chuyên gia này có thể giúp xác định các mục tiêu để cải thiện và tiếp cận tới nguồn vốn tài chính xanh.
Ngân hàng Standard Charterd Việt Nam thường xuyên xem xét các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội cho khách hàng thông qua các quan điểm một cách công khai; đưa ra các quan điểm, đánh giá xem có nên cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm hay không, gồm các lĩnh vực: (i) Công nghiệp khai thác (dầu khí, khai thác mỏ và kim loại); (ii) Sản xuất điện (năng lượng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện); (iii) Nông nghiệp (nông nghiệp, thủy sản, thuốc lá, lâm nghiệp, dầu cọ); (iv) Cơ sở hạ tầng và giao thông; (v) Hóa chất và sản xuất.
Ngoài ra, Ngân hàng Standard Charterd Việt Nam có hai quan điểm xuyên suốt về biến đổi khí hậu và nhân quyền. Bộ phận quản lí rủi ro môi trường và xã hội (ESRM), thuộc bộ phận tài chính bền vững, bao gồm các chuyên gia trong ngành phối hợp với các trưởng phòng quan hệ khách hàng của Ngân hàng để hỗ trợ họ đưa ra các yêu cầu đặt ra trong từng quan điểm.
Ngân hàng Standard Charterd Việt Nam từ chối các giao dịch hoặc rút khỏi các mối quan hệ khách hàng khi khách hàng không thể hiện ý định hoặc tiến độ đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra. Để tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức tín dụng quốc tế cho tài chính xanh, các doanh nghiệp và tổ chức cần tuân theo các tiêu chí đánh giá và phê duyệt nghiêm ngặt và toàn diện – chủ yếu đối với thẩm định đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (ESRA) và sự phù hợp với khung sản phẩm tài chính xanh và bền vững.
Với mong muốn trở thành chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế – xã hội và điều này nằm ở trọng tâm chiến lược kinh doanh của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Đầu tư vào cộng đồng là một phần quan trọng trong chiến lược hoạt động của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho hàng triệu thanh niên Việt Nam thông qua các dự án của ngân hàng về giáo dục tài chính, kĩ năng sống, khả năng lãnh đạo và khởi nghiệp. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã đầu tư hơn 6 triệu USD vào các chương trình cộng đồng của mình tại Việt Nam trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa.
4. Kết luận
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức cấp bách nhất mà thế giới ngày nay phải đối mặt. Bên cạnh đó, cơ hội và thách thức để Việt Nam đạt được Net Zero là rất lớn. Việc dịch chuyển sang Net Zero sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tương lai. Nếu không hành động nhanh chóng và quyết liệt, chúng ta sẽ không ngăn chặn được những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần tiếp tục cùng đồng hành xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lí cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh. Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để áp dụng chung nhằm đánh giá khi cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành; đồng thời, tiếp tục tận dụng triệt để kiến thức của nhân loại kết hợp cùng với việc chuyển giao công nghệ và triển khai kĩ thuật trên hành trình này. Chúng ta cần phối hợp hài hòa và có tổ chức, cùng tham gia vào sứ mệnh và thực hiện chuyển đổi bền vững cho quốc gia.