Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất kéo dài có thể khiến các nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Từ cuối năm ngoái, hầu hết các nhà đầu tư, doanh nghiệp cho tới các chính phủ, đều chờ đợi FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không phải là ngoại lệ. “Tôi vẫn giữ nguyên dự đoán rằng, trước khi kết thúc năm nay sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất của FED,” ông Biden tuyên bố tại cuộc họp báo cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/4.
Nhưng trong vòng hai tuần qua, những hy vọng đó dường như đang tiêu tan khi lạm phát giá tiêu dùng theo năm của Mỹ đã cao hơn dự kiến trong tháng thứ ba liên tiếp, lên 3,5% trong tháng 3. Vào ngày 16/4 vừa qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra “dài hơn dự kiến”.
Kinh tế Mỹ đối mặt triển vọng u ám
Đầu năm 2024, giới đầu tư từng dự đoán FED sẽ cắt giảm hơn 1,5 điểm phần trăm lãi suất trong năm 2024. Nhưng giờ đây, họ chỉ hi vọng FED giảm 0,5 điểm lãi suất cơ bản. Hậu quả của lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng khắp nước Mỹ, thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới.
Tại Mỹ, nhiều công ty sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn với lãi suất cao. Các nhà kinh tế chỉ ra người tiêu dùng và các công ty Mỹ đã được bảo vệ khỏi lãi suất cao của FED nhờ các khoản nợ với lãi suất cố định thấp hơn và dài hơn từ thời kỳ Covid-19. Thế nhưng, bước sang giai đoạn tái cấp vốn mới, họ có thể sẽ bị sốc với mức lãi suất cao như hiện nay – điều sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chứng kiến “nhiều vụ đổ vỡ”, như Altaf Kassam, Trưởng nhóm chiến lược đầu tư của EMEA, nhận xét.
Khoản nợ chính phủ cao và đang tăng nhanh của Mỹ cũng đang trở nên đắt đỏ hơn: lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên khoảng 4,6% từ mức 4,2% vào cuối tháng 3.
Thị trường tài chính cũng sẽ cảm nhận được tác động của việc lãi suất tiếp tục ở mức cao. Sự ôn hòa của FED trong tháng 12 năm ngoái đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, theo The Economist. Giờ đây, họ cho rằng các cổ phiếu “có vẻ dễ bị điều chỉnh”.
Mới đây, IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2024, tăng so với mức 2,1% dự kiến vào tháng 1. Tuy nhiên, khả năng này lại trở nên mong manh hơn nếu lãi suất cao được giữ nguyên.
Kinh tế thế giới gặp khó
Trên thế giới, lãi suất cao hơn ở Mỹ cũng sẽ lan ra các nền kinh tế khác. Đồng bạc xanh tăng giá cũng có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và vay mượn bằng đồng USD. Các nền kinh tế dựa vào nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn như Nhật Bản, phải đối mặt với sức ép kép từ đồng bạc xanh mạnh hơn và giá dầu tính bằng USD tăng. Giá dầu hiện đã tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 12 và có thể tăng thêm nếu xung đột ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn.
Như tại Việt Nam, đồng USD tăng mạnh kỷ lục so với VND kể từ đầu năm nay khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đau đầu trong việc duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Gần đây nhất, nhằm giảm áp lực tỷ giá (đồng VND đã mất giá 3% so với USD chỉ từ đầu năm), NHNN đã phải phát hành tín phiều nhằm giảm bớt thanh khoản tại các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, động thái đảo chiều của FED cũng có thể tiếp tục tạo áp lực lên dòng vốn ngoại trên thị trường tài chính của Việt Nam. Như thống kê trong năm 2023, khối ngoại đã rút ròng hơn 1 tỷ USD khỏi thị trường tài chính Việt Nam, mà trong đó các chuyên gia cho rằng lãi suất cao ở Mỹ là một phần nguyên do. Với động thái giữ lãi suất cao của FED, không có gì đảm bảo dòng tiền ngoại sẽ ở lại Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác – đặc biệt là trước sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.