“Bình ơi, chúng mình làm gì ra tiền đi. Tao hết sống nổi với một vợ hai con bằng đồng lương ít ỏi này” – lời kêu cứu của một người bạn cùng lớp đã thôi thúc Trương Gia Bình lập nghiệp để cứu đói. Bởi ngày ấy, ai cũng đói, ai cũng phải tự cứu mình.
“Con đẻ” của chính sách Đổi mới
Lời “kêu cứu” nói trên là của Phạm Hùng, con trai của bác sỹ đầu ngành về lão hóa Phạm Khuê và là bạn cùng lớp với ông Trương Gia Bình suốt 5 năm tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow. Trước lời “kêu cứu” này, ông Trương Gia Bình đồng ý ngay và nhóm những người bạn học quyết định cùng nhau cứu đói, cùng nhau nuôi giấc mơ lớn và họ đã lựa chọn cùng nhau xây dựng công ty. Nói là làm, 13 nhà khoa học trẻ tuổi, đầy hoài bão quyết định rời con đường nghiên cứu để khởi nghiệp vào ngày 13 – vốn được coi là ngày xấu. Kể từ đó, lịch sử FPT gắn liền với con số 13 “tâm linh” của công ty.
Ngày ấy, tên công ty phải đặt theo tên sản phẩm của mình như diêm, bóng đèn, xe đạp… Khi GS.TS Vũ Đình Cự (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đương thời) hỏi: “Em định làm mặt hàng gì?”, Trương Gia Bình trả lời: “Em không biết, nhưng chúng em muốn công nghệ cao”, GS.TS Vũ Đình Cự gợi ý: “Chọn công nghệ chế biến thực phẩm đi. Trong công nghệ này có tất cả công nghệ cao nhất từ công nghệ chiếu xạ, nano đến laser, công nghệ di truyền”.
Ngày 13/9/1988, chính GS.TS Vũ Đình Cự là người ký quyết định thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm, đồng thời bổ nhiệm ông Trương Gia Bình vào chức vụ giám đốc. Ngay từ đầu, nhóm sáng lập viên của công ty quyết định sẽ hoạt động kinh doanh với thế giới, vì vậy cần tên viết tắt bằng tiếng Anh. Tên Công ty Công nghệ Thực phẩm được viết tắt là FPTC – Food Processing Technology Company. Tuy nhiên, thấy nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như IBM lại chỉ có 3 chữ cái viết tắt, họ quyết định bỏ đi chữ C và thương hiệu FPT ra đời từ đó.
Tương tự như nhiều doanh nghiệp khác của nền kinh tế Việt Nam thời bấy giờ, FPT được nhìn nhận là “con đẻ” của chính sách Đổi mới. Cho đến khi nhận được quyết định thành lập, FPT vẫn chưa có trụ sở chính thức. Giám đốc Trương Gia Bình quyết định sử dụng 1 trong 2 phòng của gia đình ông trong khuôn viên 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) làm trụ sở tạm thời. Đây cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sống và làm việc.
Công ty được thành lập nhưng vốn hoạt động gần như là con số không, trụ sở không, kinh nghiệm kinh doanh cũng không. Để duy trì hoạt động của công ty, bộ phận kinh doanh của FPT lúc bấy giờ đã phải làm đủ mọi việc. Sau một năm loay hoay với việc kiếm tiền duy trì sự hoạt động của công ty, FPT cũng đã ký được hợp đồng đầu tiên có giá trị lớn là trao đổi máy tính lấy thiết bị với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Cũng chính nhờ hợp đồng này, FPT đã thiết lập quan hệ với hãng máy tính Oliveti và định hướng kinh doanh của công ty đã được định hình rõ ràng đó là tập trung phát triển theo hướng tin học.
Với định hướng phát triển trên, năm 1994, Giám đốc Trương Gia Bình quyết định chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến công nghệ thực phẩm. Công ty cũng đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (Financing and Promoting Technology) và vẫn giữ nguyên tên viết tắt FPT.
Theo lời kể của ông Trương Gia Bình, ngay từ ý tưởng thành lập, FPT đã chọn là công ty tư nhân. Tuy nhiên ước mơ của những người sáng lập FPT là phục vụ công nghệ cao cho các cơ quan, tổ chức. Do đó, họ đã chọn đăng ký là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Giai đoạn 1990 – 1996, chương trình cổ phần hóa bắt đầu được Việt Nam thử nghiệm. Đến ngày 28/2/2002, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT thành công ty cổ phần. FPT lấy tên chính thức là Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Đại hội đồng cổ đông đầu tiên của doanh nghiệp diễn ra vào ngày 8/4/2002. Vốn điều lệ của công ty thời điểm này là 20 tỷ đồng và được chia thành 200.000 cổ phần. Trong đó, nhà nước sở hữu 51% cổ phần, số còn lại được bán hết cho cán bộ nhân viên.
Sau nhiều năm ấp ủ và lên kế hoạch, ngày 13/12/2006, cổ phiếu FPT chính thức được giao dịch trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE). Chỉ trong vòng nửa tháng, giá cổ phiếu FPT đã tăng 46 lần so với mệnh giá. Đến ngày 27/2/2007, giá cổ phiếu FPT tăng lên đỉnh cao nhất ở mức 672.000 đồng/cổ phiếu. Đây là giá kỷ lục của mọi thời đại đối với cổ phiếu FPT.
Những giấc mộng không thành
Sau khi lên sàn, FPT liên tục mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực mới như bất động sản, tài chính – ngân hàng, bán lẻ… Cụ thể, với lĩnh vực bất động sản, Công ty TNHH Bất động sản FPT (FPT Land) được thành lập vào tháng 7/2006, với nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu về hạ tầng xây dựng cho FPT, chủ động công tác thiết kế cho các trụ sở FPT trong thời gian tới. Dẫu vậy, chỉ 2 năm sau thành lập, ngành bất động sản lâm vào khủng hoảng và FPT Land cũng không tránh khỏi những khó khăn. Cuối cùng, ngày 31/10/2011, FPT Land chính thức ngừng mọi hoạt động.
Với lĩnh vực Media, FPT thành lập trung tâm FPT Media vào tháng 7/2005, với chức năng sản xuất, phân phối các chương trình giải trí và tổ chức các sự kiện kêu gọi tài trợ, bán quảng cáo cho các chương trình giải trí, tổ chức sản xuất và phát sóng các kênh truyền hình. Dấu ấn nổi bật nhất trong 7 năm hoạt động của FPT Media là việc mua bản quyền truyền hình phát sóng World Cup 2006. Dẫu các hoạt động diễn ra rầm rộ nhưng hiệu quả kinh doanh lại không nhiều và đến năm 2012 thì FPT Media chính thức giải thể.
Lĩnh vực máy tính, di động cũng từng được FPT kỳ vọng rất nhiều. Họ ra mắt máy tính thương hiệu FPT với tên gọi là FPT Elead vào tháng 7/2002. Tuy nhiên do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, FPT Elead sau đó trở thành một bộ phận của Công ty Phân phối FPT vào tháng 2/2006. Khép lại giấc mơ máy tính, nửa cuối năm 2009, điện thoại di động F-Mobile được sản xuất và đưa ra thị trường. Giai đoạn 2010 – 2011 được cho là quãng thời gian rực rỡ của điện thoại “Made by FPT” khi thị phần trong nước có lúc đạt tới 10%. Vậy nhưng, cũng như nhiều thương hiệu điện thoại Việt khác, F-Mobile thất bại khi xu hướng người dùng chuyển sang smartphone, cùng sự cạnh tranh trên thị trường.
Với lĩnh vực game online, FPT nhìn thấy cơ hội vào thời điểm năm 2003 khi dịch vụ ADSL lần đầu tiên được cung cấp, tạo bước ngoặt đánh dấu sự ra đời và phát triển của làng game online Việt với vô số ứng dụng được ra mắt, điển hình là Yahoo. Tuy nhiên, cơ duyên ngành game online chỉ đến với FPT khi họ tiếp cận sản phẩm Thiên Long Bát Bộ cùng mức phí bản quyền kỷ lục là gần 1 triệu USD. Đây cũng là điểm khởi đầu của FPT Online – công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, game online, thương mại điện tử, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ SMS. Tuy nhiên, “sân chơi” game online không phải là mảnh đất lành. Chỉ trong vài năm, nhiều game đã phải đóng cửa. Đến tháng 9/2014, Thiên Long Bát Bộ chia tay FPT và sang quý IV cùng năm, FPT ngừng kinh doanh game.
Chiến dịch “săn cá voi” của ông Trương Gia Bình
Trong hành trình phát triển của FPT, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hành trình khai phá 30 thị trường nước ngoài với mức doanh thu tỷ USD. Cho đến những năm 90, FPT đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực phần mềm. Dẫu vậy, ông Trương Gia Bình cũng nhận thức rõ nguy cơ suy thoái nếu FPT tự hài lòng. Thách thức mới được đặt ra là vươn ra biển lớn.
Năm 1998, ông Trương Gia Bình buồn lòng khi sau một thập kỷ, bộ phận làm phần mềm của công ty vẫn là một nhóm nhỏ với hơn 30 thành viên. “Tôi muốn trước mặt mình phải là 1.000 kỹ sư phần mềm và cùng nhau đem trí tuệ Việt ra thế giới”, ông Bình chia sẻ với các cộng sự.
Ngày 13/1/1999, ông Bình và cộng sự quyết định thành lập một đơn vị chuyên trách về xuất khẩu phần mềm để hiện thực hóa khát vọng này. FPT Software ra đời và chọn bước đi đầu tiên trên con đường toàn cầu hóa là Bangalore, Ấn Độ. Cuối năm 1999, công ty mở tiếp văn phòng tại Silicon Valley, Mỹ – nơi được mệnh danh là cái nôi công nghệ của thế giới.
Song Ấn Độ, Mỹ chỉ là “giấc mơ lãng mạn” của FPT trong giai đoạn đầu toàn cầu hóa. Không kiếm được việc, chi phí thuê lập trình viên người Ấn cộng với tiền mặt bằng trở thành gánh nặng, văn phòng tại Bangalore phải lặng lẽ đóng cửa sau hơn một năm hoạt động. Văn phòng tại Mỹ vấp phải khủng hoảng dot-com toàn cầu cũng buộc phải dừng hoạt động đầu năm 2002.
Sau bài học rút ra từ Ấn Độ, Mỹ, lãnh đạo FPT quyết định FPT Software sẽ tiến sang Nhật Bản. Trong chuyến đi Nhật diễn ra vào tháng 12/2000, nhờ sự dàn xếp của lãnh đạo tập đoàn Sumitomo, ông Bình đã gặp gỡ đại diện của rất nhiều công ty.
Năm 2016, khi đặt mục tiêu doanh số xuất khẩu phần mềm là 1 tỷ USD, ông Trương Gia Bình nhận thấy FPT Software phải thay đổi chiến lược bán hàng, cần có những hợp đồng trị giá lên đến 100 triệu USD, đến từ những tập đoàn lớn có danh số từ vài chục tỷ USD đến vài trăm tỷ USD/năm. Gọi những tập đoàn lớn này là “cá voi” – loài cá lớn nhất thế giới, ông Trương Gia Bình quyết định mở chiến dịch “săn cá voi” và ông là “tổng tư lệnh” của chiến dịch.
“Săn cá voi” từ đó trở thành từ khoá quen thuộc trong chiến lược kinh doanh của FPT. Trước đây với FPT, hợp đồng 1 triệu USD được gọi là to nhưng bây giờ hợp đồng to phải là 5 triệu USD, 10 triệu USD và số lượng những hợp đồng to như thế này ngày càng gia tăng. Năm 2023, lần đầu tiên, FPT cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài.
Đặt cược tương lai vào AI
Trong báo cáo thường niên năm 2023 của FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình viết rằng FPT đã chào đón tuổi 35 với nhiều thành tựu. Là doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, FPT đã vượt qua một năm khó khăn chung khi khách hàng cắt giảm chi tiêu cho công nghệ thông tin. Doanh nghiệp đạt doanh thu 52.618 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ. Người đứng đầu FPT nhắc lại 25 năm trước, họ có ước mơ gần như bất khả thi nhưng đã thành hiện thực là Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai thế giới và nay Việt Nam đứng vị trí số 2 xuất khẩu phần mềm chỉ sau Ấn Độ.
“Giờ đây, FPT lại có một giấc mơ còn lớn hơn nữa, kỳ vĩ hơn nữa là Việt Nam tham gia toàn trình vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi sẽ hợp tác với các trường đại học, các viện, các tổ chức giáo dục hàng đầu và các công ty bán dẫn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng cho Việt Nam và cả hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi sẽ thiết lập liên doanh thiết kế và kiểm thử vi mạch. Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Trên thực tế, FPT đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 2013, khi AI còn là khái niệm rất mới tại Việt Nam và cả trên thế giới. Trong đó, việc thành lập công ty FPT Smart Cloud năm 2020 là minh chứng rõ ràng cho sự đầu tư nghiêm túc vào công cuộc khai phá này. Mỗi năm, FPT đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho nghiên cứu và từ năm 2021, đầu tư thêm 300 tỷ đồng cho mảng nghiên cứu công nghệ này trong vòng 5 năm. FPT cũng đã hình thành Trung tâm AI quy mô 15,2ha tại Quy Nhơn.
Khi nói về tương lai của FPT, ông Trương Gia Bình từng nhấn mạnh rằng đến năm 2035, thay vì nỗ lực và tự hào khi có hàng vạn lập trình viên, FPT sẽ phải đặt một mục tiêu khác, đó là 1 triệu chuyên gia tư vấn AI. “Nếu có 1 triệu chuyên gia AI, Việt Nam sẽ nằm trong số những dân tộc thành công nhất trên thế giới. FPT sẵn sàng đón nhận cơ hội này. Đã đến lúc thế giới cần đến Việt Nam”, ông Trương Gia Bình khẳng định.