Gấp rút chấn chỉnh để giữ uy tín cho hạt điều Việt Nam

Các nhà nhập khẩu liên tiếp đưa ra những phản hồi kém tích cực về chất lượng hạt điều xuất khẩu đang đe dọa nghiêm trọng uy tín của ngành điều Việt Nam. Bên cạnh những khuyến cáo, tư vấn kỹ thuật từ phía Hiệp hội Điều, cần có thêm sự vào cuộc nhanh chóng của các địa phương để chấn chỉnh và nâng cao ý thức của các nhà máy nhằm giữ vững uy tín và vị thế cho hạt điều Việt Nam.

VINACAS nhận được cảnh báo về chất lượng điều nhân xuất khẩu đi xuống. Trong đó, những vấn đề được nêu ra gồm có sâu mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất lạ…. Ảnh: N.H

Gia tăng cảnh báo từ khách hàng

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký VINACAS:

Chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo chất xúc tác cho hoạt động thương mại của Việt Nam, trong đó có hạt điều xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung. VINACAS đã ghi nhận số liệu xuất khẩu tăng rất mạnh trong tháng 8 và tháng 9, đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Các tháng cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu nhập khẩu hạt điều tại các thị trường Mỹ, châu Âu tăng cao, do đó ngành điều tự tin sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD trong năm nay.

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam từ đầu năm đến nay ghi nhận mức tăng trưởng cao về lượng nhưng lại có mức giảm khá nhiều về giá. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, Việt Nam đã xuất khẩu được 481.102 tấn điều nhân, trị giá 2,75 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu điều nhân đã tăng 20% về lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại chỉ tăng được 14%. Mức tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu cao hơn nhiều so với kim ngạch là do giá hạt điều xuất khẩu thấp hơn so với năm 2022 trong hầu hết các tháng của năm nay, có những tháng giá điều nhân xuất khẩu ghi nhận thấp hơn 5-6% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), giá điều nhân xuất khẩu bình quân trong 8 tháng qua chỉ ở mức 5.651 USD/tấn, thấp hơn 2,51% so với mức bình quân của 8 tháng năm 2022.

Bên cạnh tác động từ sự sụt giảm của tình hình chung trên thế giới, một nguyên nhân đáng chú ý dẫn tới giá điều nhân sụt giảm là do chất lượng. Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS, do một số vấn đề liên quan đến chất lượng nên giá hạt điều Việt Nam hiện đang thấp hơn giá của Ấn Độ.

Lãnh đạo VINACAS cho hay, vào thời điểm cuối năm, VINACAS liên tục nhận được phàn nàn của khách hàng về chất lượng điều nhân xuất khẩu. Cụ thể, Hiệp hội về ngành hạt và thực phẩm ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng lớn đã gửi văn bản cho VINACAS cảnh báo về chất lượng điều nhân xuất khẩu đi xuống. Trong đó, những vấn đề được nêu ra gồm có sâu mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất lạ… Theo ông Công, tình trạng một số DN xuất khẩu điều nhân không đảm bảo chất lượng đang ảnh hưởng tới uy tín của ngành điều Việt Nam.

Lý giải cho tình trạng này, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực VINACAS cho biết, hiện Việt Nam đang vào cao điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho côn trùng sinh sôi nảy nở. Trong khi đó, các nhà máy phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đáp ứng lượng đơn hàng tăng cao vào dịp cuối năm, nên công tác kiểm soát chất lượng có phần không được chặt chẽ.

“Các khách hàng đều cảnh báo, nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, chắc chắn sắp tới các nhà nhập khẩu sẽ không thể mua giá cao được” – ông Nhựt nhấn mạnh.

Cần sự vào cuộc của các địa phương

Trước những vấn đề về chất lượng mà các nhà nhập khẩu đã cảnh báo, theo lãnh đạo VINACAS, việc khắc phục và ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong tương lai phụ thuộc vào ý thức của các nhà máy và sự kiểm soát của chính quyền các địa phương. Lý do là những DN có hàng hóa bị cảnh báo thời gian qua đều không phải hội viên của VINACAS nên hiệp hội không thể can thiệp được.

Ông Công cho biết, VINACAS chỉ có thể đưa ra khuyến cáo, nhưng hiện nay cần phải có giải pháp mạnh hơn để chấn chỉnh vấn đề này, do đó cần phải có sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương cũng như của cơ quan chức năng.

“UBND các địa phương có nhà máy chế biến điều xuất khẩu cần quan tâm hơn đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của các nhà máy. Qua đó góp phần giữ vững uy tín, vị thế của chính DN, địa phương và cả ngành điều Việt Nam trong mắt người mua hàng nước ngoài. Nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, để ảnh hưởng tới uy tín thì ngành điều sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể lấy lại được” – ông Nhựt nêu ý kiến.

Trên thực tế, thời gian qua VINACAS thường xuyên có biện pháp tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhằm xử lý tốt nhất những vấn đề bị khách hàng phản ánh. Ví dụ như với vấn đề có côn trùng trong sản phẩm, hiệp hội đã khuyến cáo các DN nên xây dựng rèm che kín trong các phòng xử lý mẫu để ngăn ngừa sâu mọt từ bên ngoài bay vào. Đồng thời hạn chế sản xuất vào ban đêm do đây là thời điểm côn trùng hoạt động nhiều.

VINACAS cũng khuyến cáo các DN khi vào mùa mưa cần sấy hàng hóa khô hơn bình thường để khi có hiện tượng hồi ẩm, sản phẩm vẫn đạt yêu cầu và không bị phát sinh sâu mọt trong quá trình vận chuyển ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tách khu sản xuất với khu đóng gói để tránh tình trạng lây nhiễm chéo…

Một vấn đề nữa bị khách hàng nước ngoài phàn nàn nhiều là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Ông Nhựt lý giải, do DN muốn ngăn ngừa sâu sống nên đã tăng lượng thuốc khử trùng. Nhưng sau đó, do đơn hàng nhiều, DN không tuân thủ thời gian cách ly mà đưa đi đóng gói trước khi thuốc kịp phân hủy theo lộ trình kỹ thuật, dẫn tới để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Theo đó, VINACAS đã khuyến nghị DN không vi phạm quy định về thời gian ủ thuốc.

Theo Haiquanonline