Làng dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội mang vẻ đẹp cổ kính, nổi tiếng với các sản phẩm lụa dệt tơ tằm và sở hữu nhiều điểm check-in thu hút du khách.
Làng dệt lụa Vạn Phúc còn có tên gọi khác là làng dệt lụa Hà Đông. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống, được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, lụa Vạn Phúc đã tồn tại trên 1000 năm, từng được xem là vật phẩm tiến vua. Năm 1931 là dấu mốc lần đầu tiên sản phẩm lụa dệt ở làng được quảng bá, giới thiệu ra thị trường quốc tế tại Hội chợ Marseille, Pháp.
Ở lần đầu tiên giới thiệu, sản phẩm lụa dệt của làng Vạn Phúc đã được người Pháp đánh giá cao, nhận xét là một trong những dòng lụa tinh xảo nhất của Đông Dương. Vào năm 1958, sản phẩm tơ lụa của làng đã chính thức được xuất khẩu tới các nước Đông Âu.
Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc do bà A Lã Thị Nương – một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc truyền dạy cho dân làng. Từ khi mới ra đời, lụa Vạn Phúc đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng bởi sự khéo léo, tinh tế của bàn tay và tâm hồn người thợ kết tinh vào trong từng thước vải.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn trụ vững trong suốt 10 thế kỷ qua và ngày càng phát triển, trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của đất kinh kỳ. Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc cũng đã phát triển đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau như mây bay, long phượng, đũi hoa…
Với những đặc tính nổi bật, lụa Hà Đông luôn được chọn làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi du khách đến đây.
Theo Vietnamplus đưa tin, hiện, làng lụa Vạn Phúc có gần 800 hộ gia đình làm nghề dệt lụa, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại nơi đây. Mỗi năm, làng tơ lụa Vạn Phúc đã sản xuất khoảng 2,5 đến 3 triệu m2 vải, tương đương với 63% doanh thu của toàn bộ làng.
Ngày nay, ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây.
Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các “tuyến phố lụa”, kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm.