Ghép tên xã theo kiểu ‘công bằng máy móc’ sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Có lẽ các đơn vị liên quan ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không thể  ngờ dư luận lại phản ứng mạnh đến như vậy với đề xuất của huyện về cái tên sẽ đặt cho xã mới sắp ra đời sau khi sáp nhận hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu. Họ không làm gì sai vì cái tên “Đôi Hậu” được đặt theo công thức truyền thống (lấy một chữ trong tên của hai xã rồi ghép với nhau), và áp dụng nguyên tắc công bằng, xã nào cũng không bị thiệt vì mất tên.

Thế nhưng công thức có vẻ đúng ấy lại cho ra kết quả mà rất nhiều người cho là… sai sai. Dân Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu khó mà tị nạnh khi “ai cũng sẽ phải đi sửa giấy tờ”, nhưng dân hàng huyện, hàng tỉnh lại đang cảm thấy bị thiệt, vì một địa danh gắn với những giá trị cao quý sắp biến mất, thay vào đó là cái tên khá vô nghĩa.

Bản thân tôi không rõ hai chữ “Quỳnh Đôi” có nghĩa là gì, nhưng ý nghĩa của địa danh này được tạo ra từ bề dày lịch sử, văn hóa của nó.

Trong tâm thức người Việt Nam, Quỳnh Đôi là chốn địa linh nhân kiệt, là đất học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, đặc biệt là các danh nhân văn hóa. Vì thế, bất kể nghĩa gốc của từng chữ là gì, cái tên Quỳnh Đôi nghe thật đẹp và duyên dáng, là niềm tự hào của không chỉ người dân trong xã.

Bởi thế mà khi bị đặt cạnh nó để so sánh, cái tên Đôi Hậu trở nên thô kệch, vô duyên và vô hồn.

Cái tên Quỳnh Đôi có lịch sử gần 500 năm, đã thực sự trở thành một di sản. (Ảnh: Nhật Thanh)

Trong năm 2024 này, có đến 50 huyện và hơn 1.200 xã trên cả nước sẽ được sáp nhập nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Do đó, chuyện đặt tên gây tranh cãi như Đôi Hậu rất có thể sẽ xảy ra ở nhiều nơi khác nữa, nếu các địa phương ghép tên các địa danh cũ theo kiểu lắp ghép của ngành cơ khí.

Tên đất cũng như tên người, đều được gửi gắm rất nhiều tình yêu, niềm tự hào và kỳ vọng. Địa danh chưa bao giờ chỉ đơn thuần mang ý nghĩa hành chính mà còn là tình cảm, là truyền thống, văn hiến, tâm linh… nên không thể đặt tên theo công thức khô cứng.

Đương nhiên, những người làm công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều cái khó khi đưa ra những đề xuất, quyết định cần đảm bảo sự công bằng. Tôi nghĩ lãnh đạo và các cán bộ huyện Quỳnh Lưu cũng như nhiều huyện khác trên khắp đất nước khá đau đầu khi nghĩ phương án khiến người dân các xã sắp sáp nhập thấy công bằng, mà dư luận cũng chấp nhận. Nhưng nên nhớ rằng sự linh hoạt luôn cần thiết trong bất cứ loại công tác nào.

Đặt tên xã sáp nhập đâu cứ phải ghép một chữ của tên hai xã? Hoàn toàn có thể giữ lại một trong hai tên cũ nếu nó đã là “thương hiệu”. Giá trị của thương hiệu văn hóa, lịch sử có thể lớn hơn giá trị về diện tích hay dân số.

Chẳng hạn, cái tên Quỳnh Đôi có lịch sử gần 500 năm, đã thực sự trở thành một di sản, nếu bỏ đi sẽ là mất mát; tuy xét về hành chính thì công bằng với hai xã nhưng lại bất công với người dân cả nước.

Còn nếu dứt khoát không để xã nào cảm thấy mình bị lép vế với cái tên sau sáp nhập thì không cần lắp ghép làm gì. Cứ đặt một cái tên mới hoàn toàn, kho ngôn ngữ Việt có đủ từ ngữ để gói ghém được những ý nghĩa đẹp đẽ mà người dân muốn dành cho quê hương mình.

Dù là cách nào thì cũng nên ứng xử với địa danh dưới góc nhìn văn hóa để tránh tạo ra những cái tên ghép ngô nghê, buồn cười hoặc nhạt nhẽo, vô cảm. Nếu địa danh chỉ đơn thuần để quản lý hành chính, đáp ứng các nguyên tắc hành chính khô cứng, máy móc thì chỉ cần đánh số là xong, đâu cần đau đầu bàn bạc và tranh cãi về chuyện đặt tên.

Theo VTC