Quảng Ngãi – Dù đã vào vụ thu hoạch rộ, nhưng giá cau vẫn đang ở mức 65.000 đồng/kg. Đây là mức giá mang lại lợi nhuận khủng cho người trồng cau.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất cả nước, tập trung nhiều nhất ở huyện Sơn Tây với diện tích khoảng 1.000 hecta. Thông thường, giá cau dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg là người trồng cau đã có lãi. Bởi vậy, với giá cau tươi như hiện nay, lợi nhuận mang lại khó có loại cây ăn quả nào ở Quảng Ngãi sánh kịp.
Bởi giá cau đắt đỏ, nên những ngày này, đi về các huyện có diện tích trồng cau lớn như Sơn Tây, Sơn Hà, Nghĩa Hành, Bình Sơn… sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh thương lái kéo nhau đi mua cau. Chưa năm nào cau được giá như năm nay. Mới đầu vụ vào đầu tháng 5.2024 đã là 50.000 đồng/kg, nay tăng lên 65.000 đồng/kg.
Thông thường, giá cau ở Quảng Ngãi rất bấp bênh, và chỉ vào đầu vụ giá mới tăng cao, kéo dài lâu nhất cũng chỉ khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, năm nay giá cau tăng đột biến kéo dài khoảng 4 tháng, nên các chủ vườn trồng cau trúng đậm.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Nghỉ ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành chia sẻ: “Tôi đi thu mua cau của nông dân đã hơn 30 năm nay. Mỗi ngày thu mua được khoảng 50 kg. Chưa năm nào giá cau duy trì ở mức cao kéo dài như năm 2024. Giá cau tăng đột biến, nên tôi thu mua cũng không được nhiều, vì quá nhiều thương lái giành nhau mua”.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phan Công Huân – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành – cho biết, hiện toàn huyện có trên 700 hecta cây cau, tăng gần 60 hecta so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân tăng diện tích là do giá cau thu mua tại các vườn những năm gần đây luôn ở mức cao, nên nông dân mạnh dạn tăng diện tích trồng mới. Sản lượng thu hoạch cau trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính là 3.150 tấn, tăng 101 tấn so với cùng kỳ năm trước.
“Cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không cao. Vòng đời của cây cau cũng kéo dài hàng chục năm, nên nếu trúng giá, nông dân sẽ thu lãi rất cao so với nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, quả cau chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì giá cả bấp bênh, nên huyện không khuyến khích nông dân trồng ồ ạt,” ông Phan Công Huân nhấn mạnh.
Cũng như một số loại nông sản khác như dưa hấu, nhãn lồng, mặt hàng cau phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm nào Trung Quốc tiêu thụ mạnh thì năm đó người trồng cau có lãi. Ngược lại, năm nào Trung Quốc không tiêu thụ thì cau chín vàng trên cây cũng không ai hỏi mua.
Nhiều người nói rằng cau sau khi được xuất bán sang Trung Quốc sẽ được dùng để chế biến thành kẹo. Vì vậy, để giá cau ổn định, trở thành loại cây trồng chủ lực, người trồng cau hy vọng các nhà quản lý, doanh nghiệp… nên tìm hiểu kỹ câu chuyện giá cả về trái cau nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả, hạn chế phần nào tình trạng lúc giá cau cao thì nông dân ồ ạt trồng cau, còn giá cau rớt thê thảm kéo dài vài năm thì nông dân phá bỏ.