Giá điện đứng im, EVN lo lỗ gần 94.000 tỷ đồng

Một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay trong năm 2023, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 197 đồng. Nếu giá điện vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không còn tiền trong tài khoản. Tổng số lỗ lũy kế năm 2022-2023 của EVN sẽ lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.

Ngành điện đang bán điện với mức giá lỗ, tức là giá bán lẻ điện bình quân thấp hơn giá thành sản xuất là 10,57%

Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân hiện đang được EVN bán ra có mức thấp hơn 10,57% so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Việc EVN bán điện với mức giá lỗ là do các chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng chưa được điều chỉnh đầu ra tương ứng để đủ bù đắp. Đặc biệt là chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, biến động của tỉ giá và các chi phí khác…

Thực tế, vấn đề này đã được EVN đưa ra trong nhiều báo cáo trước đây. Cụ thể, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ngày 19/1/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nếu giá bán lẻ điện bình quân cơ sở vẫn đứng im và áp dụng theo Quyết định 648/QĐ-BCT (tháng 3/2019), đồng thời mức giá bán điện thực hiện vẫn như năm 2022 (1.880,9 đồng/kWh, tăng 16,5 đồng/kWh so với giá bình quân tại Quyết định 648/QĐ-BCT), thì Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và tổng công ty truyền tải điện dự kiến lỗ sản xuất – kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số lỗ sản xuất kinh doanh trong 2 năm 2022-2023 sẽ lên tới 93.817 tỷ đồng, trong đó, riêng năm 2022 lỗ 28.876 tỷ đồng.

Đáng chú ý là, nếu giá điện vẫn tiếp tục đứng yên, thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ – EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Sau đó, từ tháng 6/2023, Công ty mẹ – EVN sẽ thiếu hụt tiền thanh toán là 3.730 tỷ đồng và đến tháng 12/2023, mức thiếu hụt lên tới 28.206 tỷ đồng.

Giá điện bán ra lỗ do chi phí đầu vào tăng

Giá bán điện không được tăng khiến hệ thống điện sẽ phụ thuộc nhiều vào thủy điện – nguồn rẻ nhất hiện tại

Trong đó 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế trong 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng (năm 2022 ước lỗ 28.876 tỉ đồng).

Thông tin gần đây nhất về kết quả sản xuất, kinh doanh trong 3 tháng đầu năm, EVN cho biết do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ năm 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

Trong năm 2023, EVN đánh giá, giá các loại nhiên liệu giảm so với năm 2022. Tuy nhiên vẫn tăng rất cao so với giai đoạn 2020 – 2021. Cụ thể, giá than nhập tăng 2,32 lần so với năm 2021, tăng 5,30 lần so với năm 2020; giá dầu tăng 1,22 lần so với năm 2021, tăng 2,06 lần so với năm 2020; tỉ giá năm 2023 dự kiến cao hơn bình quân tỉ giá năm 2022.

Dẫn tới, năm 2023 với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh – được giữ nguyên sau 4 năm – thì chỉ có nguồn thủy điện có giá thành điện thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân, mang lại lợi nhuận cho EVN, song sản lượng lại chỉ chiếm tỉ trọng gần 33%.

Các nguồn điện còn lại gồm nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo, có giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và chiếm tỉ trọng gần 67% về sản lượng, điều này làm lỗ cho EVN.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.

Lỗ lớn khiến dự án điện mới thêm khó khăn

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, việc không thể cân đối được dòng tiền hoạt động sẽ dẫn tới việc EVN phải điều chỉnh lại các hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình theo hướng cắt giảm chi phí, bao gồm chi phí sản xuất điện, chi phí mua điện, chi phí bảo trì bảo dưỡng…

Báo cáo của EVN với Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho thấy, trong các năm 2020-2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10-30% do không cân đối được nguồn vốn. Nếu kết quả sản xuất – kinh doanh bị lỗ, việc sửa chữa tài sản bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.

Đồng thời, EVN không thu hồi được đủ số vốn khấu hao cơ bản của tài sản cố định trích trong năm, dẫn đến không đảm bảo đủ nguồn vốn tự có huy động cho trả nợ gốc vay và đầu tư xây dựng cơ bản.

Đó là chưa kể việc ảnh hưởng đến lương của gần 90.000 người lao động trong Tập đoàn.

Đi sâu phân tích câu chuyện “giá điện đầu ra không được tăng, trong khi chi phí đầu vào biến động mạnh, khiến EVN thua lỗ lớn”, chuyên gia Hà Đăng Sơn chỉ ra nhiều hệ lụy có thể xảy ra, như hệ thống điện sẽ phụ thuộc nhiều vào thủy điện – nguồn rẻ nhất hiện tại, dẫn tới rủi ro thiếu điện trong trường hợp thủy văn không thuận lợi, hoặc khi phải ưu tiên nước cho các nhu cầu tưới tiêu hoặc nước sinh hoạt.

Cũng do chi phí bảo trì bảo dưỡng bị cắt giảm, tần suất xảy ra sự cố trong vận hành của các nhà máy điện thuộc EVN sẽ cao hơn và sẽ khó đáp ứng yêu cầu huy động ở mức công suất cao trong các tháng cao điểm nắng nóng, dẫn tới khả năng thiếu điện trong những tháng nắng nóng.

Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ khó được huy động nhiều do giá cao hơn so với mức giá bán lẻ trung bình hiện tại. Đồng thời, việc đàm phán giá của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cũng sẽ rất khó khăn do mức giá mà EVN chấp nhận được thấp hơn nhiều so với mức giá đảm bảo khả năng trả nợ của các chủ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

“Bị ảnh hưởng lớn nhất chắc chắn là các dự án đầu tư lưới điện do các chỉ số tài chính vốn đã không cao do mức phí truyền tải thấp, nên EVN khó có khả năng vay được vốn cho các dự án phát triển lưới điện phục vụ giải tỏa công suất. Các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ e ngại tham gia đầu tư các nguồn điện mới, đặc biệt là nguồn điện tái tạo, do việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ khó khăn và kéo dài, đồng thời giá mua điện cũng sẽ ở mức thấp, khó hấp dẫn nhà đầu tư, dẫn tới việc không có nguồn điện mới để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đã đề ra”, ông Hà Đăng Sơn nhận xét.

Đáng nói là, trong 2 tháng cuối năm 2022, mối quan tâm của các cơ quan chức năng và Chính phủ với câu chuyện điều chỉnh giá điện đã được nhắc tới nhiều, nhưng tới nay, mọi việc vẫn bất động, ngoại trừ khoản lỗ của EVN và mối lo về thiếu điện ngày càng lớn.

Hậu quả của việc không được tăng giá điện ở mức hợp lý để bù đắp chi phí sẽ gây tình trạng mất cân đối dòng tiền hoạt động và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đó là các nhà máy điện sẽ không nhận được tiền bán điện, dù vẫn bán điện lên lưới hoặc các nhà máy điện sẽ dừng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia nếu không muốn bị nợ tiền điện lớn hoặc không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất điện vì nguồn thu tiền điện bán cho EVN không có.

Hệ quả có thể nhìn thấy rõ là việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội sẽ bị ảnh hưởng.

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về ảnh hưởng của việc EVN gặp lỗ lớn do chi phí đầu vào tăng mạnh mà giá bán lẻ điện đầu ra không được các cơ quan nhà nước cho phép điều chỉnh kịp thời, phù hợp với biến động của chi phí đầu vào, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Rồi người dân và nền kinh tế sẽ phải chịu hậu quả của việc này”.

Theo ông Cung, “thực tế là, EVN ít khi lên tiếng hoặc có nói thì cũng rất nhẹ. Bởi vậy, rất có thể, khi việc mất điện xảy ra thì EVN sẽ được tăng giá điện”.

Chia sẻ vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đánh giá: “Việc chậm điều chỉnh giá theo thị trường sẽ chỉ là chậm lại sự khó khăn và khi càng bị dồn nén lâu thì tồn tại càng lớn”.

Nếu tăng giá điện thêm 8%, CPI bình quân tăng 4,8%

Báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên họp này cũng cho biết hiện Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam thành lập đoàn kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN.

Theo đó, Bộ Tài chính dự báo giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 có thể được xem xét điều chỉnh căn cứ theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Vì vậy trong xây dựng các kịch bản lạm phát quý 2-2023 và các tháng còn lại của năm, cũng tính toán các mức tăng giá điện tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.

Cụ thể, trong trường hợp giá điện sinh hoạt tăng 5% thì dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng 3,9%; giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân dự báo tăng 4,4% và nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% thì CPI bình quân tăng khoảng 4,8%.

Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, Bộ Tài chính khuyến nghị cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đánh giá kỹ tác động kinh tế – xã hội, mặt bằng giá, chủ động phương án điều chỉnh, hoặc trình các cấp thẩm quyền xem xét cho phù hợp với diễn biến thị trường, với mức độ và thời điểm phù hợp, tránh ảnh hưởng lạm phát do chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng cho nền kinh tế. Đồng thời có phương án giảm thiểu tác động tiêu cực với người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương.

Huỳnh Anh tổng hợp