Mong muốn của ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – là nông dân lời khoảng 47%, sau thông tin nông dân trồng lúa có lợi nhuận 100% từ báo cáo của Bộ Công Thương.
Ông Lê Văn Ngời (ngụ xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, An Giang) đã thu hoạch 6ha lúa OM18, bán cho thương lái với giá 6.500 đồng/kg. Còn khoảng 8ha nữa đang thu hoạch, ông bán cho thương lái với giá 6.400 đồng/kg.
Được mùa – được giá cũng khó lời 100%
“Năm nay cơ bản giá lúa ổn hơn những năm trước rất nhiều. Nếu đất trồng lúa của gia đình thì nông dân có thu nhập gần 25 triệu đồng/ha, còn thuê đất để làm lúa thì lợi nhuận khoảng 30% thôi”, ông Ngời vui vẻ nói.
Theo ông Ngời, chi phí sản xuất lúa năm 2023 giảm hơn so với năm 2022. Nông dân nào xuống giống trễ sẽ hưởng lợi từ giá phân đang giảm hơn 100.000 đồng/bao. “Hy vọng vụ mùa hè thu sắp tới, giá phân, thuốc tiếp tục giảm. Các hộ dân làm lúa vụ này thắng lớn nhưng chưa thể gọi là đạt lợi nhuận tối đa 100%. Để đạt 100% thì người làm lúa trên đất nhà, năng suất đạt trên 8 tấn/ha và giá lúa trên 6.500 đồng/kg. Tôi chỉ có 6ha, còn lại tôi thuê của người khác để làm lúa nên rất khó đạt lợi nhuận nhiều như vậy”, ông Ngời khẳng định.
Tương tự ông Nguyễn Thành Nhơn (ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) phấn khởi cho hay vụ đông xuân này, nông dân làm lúa đang trúng mùa – được giá, chi phí cũng không tăng nhưng “nông dân không đạt lợi nhuận 100% như thông tin mà chỉ đạt hơn 50 – 70% là dữ lắm rồi”. Sống nhờ vào nghề làm nông và chỉ có 1,5ha ruộng nên ông Nguyễn Ba (xã Đại Hải, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) luôn cầu mong được mùa, được giá. Vụ đông xuân này, ông Ba thu hoạch được khoảng 9 tấn, bán cho thương lái với giá 6.500 đồng/kg.”Lúa năm nay có giá thật, nhưng tính ra lời không nhiều. Mọi thứ đầu vào bây giờ đều tăng mạnh nên giá thành làm ra lúa rất cao, không dưới 4.500 đồng/kg. So đi tính lại, người làm chỉ còn lời khoảng 2.500 đồng/kg, đâu phải dễ ăn”, ông Ba nói.
Cách nào tăng lợi nhuận cho nông dân?
Ông Trương Thanh Nhàn (chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phú An, huyện Phú Tân, An Giang) cho hay giá lúa tăng mạnh trong vụ đông xuân 2022 – 2023 nên nông dân canh tác lúa, nếp có thể lợi nhuận đạt 3 – 3,5 triệu đồng/công. Hiện nay, nông dân có thể bán lúa từ 6 – 6,5 triệu đồng/công.
“Tức là nông dân lợi nhuận từ 50 – 70%, do chi phí giảm, thời tiết thuận lợi, năng suất và giá lúa tăng cao. Vài năm trước, phân lạnh trên 830.000 đồng/bao nhưng hiện nay còn trên 600.000 đồng/bao”, ông Nhàn nói.
Còn ông Nguyễn Thành Phước (chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng) cho rằng nông dân làm lúa lời 100% có lẽ là tính giá gạo xuất khẩu, chứ thực tế không được. Vì chi phí đầu vào tăng, khiến giá thành làm ra lúa hiện nay từ 4.500 – 5.000 đồng/kg. “Thương lái mua 6.500 đồng/kg thì nông dân còn lời 2.500 đồng, chứ sao lời được 100%”, ông Phước nói. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Điền (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp) cho biết chi phí sản xuất đã tăng rồi thì không thể giảm xuống được.
“Do đó, chúng tôi đang cố gắng giúp nông dân làm lúa có lợi nhuận khoảng 47% là rất khó rồi. Sắp tới, chúng tôi vận động triển khai nhiều mô hình giảm thất thoát sau thu hoạch, giúp nông dân có thu nhập tăng thêm nữa”, ông Điền nói.
Ông Điền khẳng định rất khó để giúp nông dân đạt lợi nhuận 100% như các thông tin đã công bố. Hiện nay, Đồng Tháp đang cố gắng giảm chi phí sản xuất lúa từ 22 triệu xuống còn 17 triệu đồng/ha.
“Chỉ làm 2 vụ lúa, còn vụ thứ 3 sẽ làm màu để tăng màu mỡ cho đất và hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc và giảm lao động để giảm chi phí tối đa, giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn. Vụ thứ 3, chúng tôi đã tính toán sẽ cho nông dân trồng cây mè, cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/công. Đặc biệt sắp tới sẽ giúp nông dân có thêm thu nhập từ giá trị tăng thêm sau thu hoạch”, ông Điền nói thêm.
Tăng liên kết để giảm chi phí
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận An Giang đang hướng dẫn nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa, nếp theo hướng bền vững.
An Giang có trên 20 doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã, với diện tích gần 50.000ha. “Hợp tác xã sẽ đại diện cho nông dân đi trao đổi với doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư máy móc, vật tư với giá nào, thỏa thuận ra sao.
Đáng chú ý, khi doanh nghiệp liên kết với nông dân thì giá vật tư nông nghiệp được ấn định giá cố định nên nông dân sẽ biết mình được lợi nhuận bao nhiêu ngay từ đầu vụ”, ông Lâm nói.
“Rất khó nói nông dân lợi nhuận 100% trong giai đoạn này mà phải xem lại cách làm của từng người. Nếu liên kết doanh nghiệp làm 1.000ha lúa thì có chi phí rất thấp, nhưng nhiều người làm trên diện tích đó thì có chi phí cao hơn nhiều.
Hiện nay, Tỉnh ủy An Giang có ban hành chương trình hành động mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa với nông dân để ngày càng giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân”, ông Lâm nói thêm.
Mong điều hành hợp lý
Ông Nguyễn Văn Quang (một nông dân có trên 50 năm kinh nghiệm trồng lúa ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) cho biết sau nhiều năm thâm canh, năng suất lúa hiện đã đội khung, trung bình 6 – 7tấn/ha.
Theo ông Quang, để người trồng lúa có lợi một lời một, trước tiên giá lúa phải cải thiện. “Hơn 10 năm nay, mọi thứ đều tăng giá. Ổ bánh mì thịt sau 10 năm tăng 10 lần, từ 2.000 lên 20.000 đồng. Trong khi giá lúa nhiều năm nay cứ giậm chân tại chỗ thì làm sao lời được 100%”, ông Quang nói. Ông Quang cho rằng để đạt năng suất như nói trên, cho dù tiết kiệm đến đâu thì chi phí làm ra cũng phải khoảng 4.000 đồng/kg lúa, trong khi giá lúa chỉ bán được 6.500 đồng/kg. “Phải điều hành giá lúa gạo sao cho hợp lý, đảm bảo nông dân có lời trên 50% là hạnh phúc rồi”, ông Quang đề nghị.
Tổng hợp