Nhà nông ở Sóc Trăng nói riêng, khu vực Tây Nam Bộ nói chung đón nhận thông tin này với tâm lý vừa mừng, vừa băn khoăn. Mừng vì chi phí sản xuất lúa thường thấp hơn lúa thơm, năng suất cao hơn, nên giá lúa thường cao hơn sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Dù vậy, nhiều người đang băn khoăn liệu có nên chuyển đổi diện tích trồng lúa thơm sang trồng lúa thường trong vụ tới không, vì không biết giá lúa thường sẽ cao hơn lúa thơm như vậy trong bao lâu.
Vụ hè thu 2023, Sóc Trăng xuống giống 140.899 ha, tăng 1.425 ha so với cùng kỳ, các giống chủ lực được sản xuất trên diện rộng ở các địa phương như OM 5451, Đài Thơm 8, OM 18, RVT, ST 24… Trong đó, nhóm lúa thơm, đặc sản (Đài Thơm 8, nhóm ST, RVT…) chiếm tỷ lệ 49,8%. Nhóm lúa chất lượng cao (OM 18, OM 5451…) chiếm tỷ lệ 48,1%. Nhóm lúa chất lượng trung bình (OM 576, IR50404, PC10,…) chiếm tỷ lệ 2,1%.
Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai kế hoạch xuống giống vụ lúa tới sớm hơn hằng năm và cơ cấu các giống lúa để khuyến cáo nông dân gieo sạ trong mùa vụ. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm tăng năng suất, sản lượng lúa.
Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa hè thu năm nay, nông dân thu hoạch đạt năng suất khoảng từ 55 tạ/ha trở lên, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha, tăng 5-10 triệu đồng/ha so vụ lúa hè thu năm 2022. Tuy vậy, tỉnh đang lo khi nhiều nông dân ồ ạt chuyển sang canh tác lúa thường cho vụ lúa thu đông và đông xuân tới sẽ phá vỡ quy hoạch mở rộng diện tích canh tác lúa đặc sản, chất lượng cao, lúa thơm các loại của địa phương.
Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân thu hoạch đạt năng suất khoảng từ 55 tạ/ha trở lên, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha, tăng 5-10 triệu đồng/ha so vụ lúa hè thu năm 2022. Tuy vậy, tỉnh đang lo khi nhiều nông dân ồ ạt chuyển sang canh tác lúa thường cho vụ lúa thu đông và đông xuân tới sẽ phá vỡ quy hoạch mở rộng diện tích canh tác lúa đặc sản, chất lượng cao, lúa thơm các loại của địa phương.
Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xô trong nước đang ở mức 13.500-13.600 đồng/kg; trước đây, giá cao nhất chỉ 12.900 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm ở mức 16.100-16.200 đồng/kg, đẩy giá gạo xuất khẩu xấp xỉ 700 USD/tấn, mức giá cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam. Sở dĩ giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới là do nhu cầu tăng và người mua không thể mua gạo của nước khác thay thế nên bắt buộc phải đẩy giá lên để mua được hàng. Do vậy, giá lúa thường cao hơn lúa thơm chỉ nhất thời, trong ngắn hạn.
Thêm vào đó, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin kế hoạch sản xuất và chỉ tiêu xuất khẩu gạo vẫn theo kế hoạch từ đầu năm. Việt Nam tăng 50.000 ha diện tích trồng lúa thu đông 2023 ở đồng bằng sông Cửu Long để tận dụng thời cơ thị trường và giá gạo ở mức cao. Tuy nhiên, kế hoạch xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo của cả nước trong năm nay đã gần đạt. Theo kế hoạch, sản lượng gạo xuất khẩu còn lại của năm nay không nhiều.
Mặt khác, việc canh tác lúa thu đông và đông xuân còn ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh phát sinh khi gặp thời tiết bất lợi. Tùy vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, nhất là theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhà nông nên tính toán cân nhắc khi xuống giống tiếp trong vụ thu đông 2023 nhằm tránh thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh và biến động thị trường.
Nắm bắt giá lên xuống của thị trường để điều chỉnh sản xuất là tâm lý có thể hiểu được của nhà nông. Nhưng ở góc độ quản lý, quy hoạch phát triển lúa của địa phương, thậm chí của vùng, cần có cái nhìn dài hạn, mang tính quy luật, tổng thể chứ không chỉ nhằm ngăn ngừa tình trạng “được mùa rớt giá”!
Theo Báo Nhân Dân