Với các biến động trong và ngoài nước, cùng việc tăng cường kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC có thể ổn định và giảm dần về mức khoảng 69 – 70 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy giá vàng trên thế giới luôn gắn liền với giá trị của đồng USD, nên trong năm 2023 vừa qua, việc Chính phủ Mỹ có xu hướng dừng tăng lãi suất và đưa ra định hướng giảm lãi suất trong năm 2024 đã khiến giá trị đồng USD giảm, đẩy giá vàng tăng một cách tương đối.
Thêm vào đó, phía Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đều nâng lãi suất đồng tiền của mình để chống lạm phát, mặc dù lạm phát giảm nhưng không nhanh như kỳ vọng, trong khi lãi suất trên thị trường đã leo lên mức cao nhất trong khoảng 22 năm trở lại đây, khiến chi phí vốn tăng và sản xuất trì trệ. Từ đó, giá trị của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt giảm, cũng tác động đến giá vàng.
Xét về yếu tố cung – cầu trong năm 2023, 40 quốc gia trên thế giới đã nhập hơn 800 tấn vàng để tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia mình thay vì dự trữ bằng đồng USD, dẫn đến nhu cầu về vàng tăng cao trong khi nguồn cung có dấu hiệu giảm sút.
Đối với giá vàng trong nước, điều đáng quan tâm là vàng SJC đã có mức chênh cực kỳ lớn với giá vàng thế giới, có lúc chênh lên đến mức gần 20 triệu đồng một lượng.
Từ năm 2012, sau khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ban hành, chúng ta đã không in thêm vàng miếng SJC, từ đó vàng miếng lưu thông trên thị trường chủ yếu là mua đi bán lại giữa các chủ thể và lượng cung không đổi. Mặc dù việc vàng hóa nền kinh tế được giảm thiểu đến mức tối đa; vàng không còn được coi như tiền tệ để đo giá trị hàng hóa; việc tăng giảm giá vàng cũng không có tác động đến giá trị của VND hay tỷ giá hối đoái nên các cơ quan quản lý Nhà nước đã tương đối yên tâm với vàng. Tuy nhiên, điều này cho thấy việc quản lý thị trường vàng đang có vấn đề, khi chúng ta để cho một thương hiệu vàng nhất định nào đó bị thiếu hụt, không đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chúng tôi cho rằng, việc theo dõi quản lý để thị trường vàng trong nước ổn định là việc phải quan tâm đặc biệt khi chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường. Thời điểm xây dựng Nghị định 24/2012, chúng tôi đã có đề cập đến mục tiêu xa hơn là phải xây dựng một thị trường phát triển theo định hướng quản lý của Nhà nước. Nghĩa là cần có một thị trường tài chính tiền tệ nói chung, trong đó có thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hoạt động thông thoáng và liên thông với thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo có sự kiểm soát của nhà nước. Làm sao tránh các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, để vừa đáp ứng nhu cầu thực của nền kinh tế, của người dân; nhưng giải quyết được bài toán là động viên các nguồn lực trong dân vào hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Về mặt dài hạn, Ngân hàng Nhà nước nên có những động thái để dần dần có thể mở cửa thị trường cho việc xuất – nhập khẩu vàng theo định hướng mà nhà nước mong muốn quản lý, bao gồm việc đáp ứng nhu cầu về vàng trang sức, tiết kiệm, lưu trữ vàng của người dân,… không để một số đối tượng lũng đoạn, lợi dụng kẽ hở thao túng giá vàng, hay xảy ra hiện tượng buôn lậu vàng. Vấn đề này đòi hỏi phải thay đổi từ khâu cho phép xuất nhập khẩu vàng liên thông với thế giới, cũng như cho phép thực hiện các việc tính toán sản xuất kinh doanh vàng, đến việc bán vàng một cách tương đối thoải mái nhưng trong sự kiểm soát.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia về vàng trên thế giới, thì giá vàng trong thời gian tới có thể tăng, thậm chí có người cho rằng nó sẽ tăng tới 2.100 – 2.200 USD/ounce. Nhưng với quan điểm của tôi có thể ngay từ giữa tháng 1, giá vàng thế giới sẽ có chiều hướng đi xuống với các lý do như:
Thứ nhất, các công bố về tăng trưởng, giải quyết việc làm của nền kinh tế Mỹ, cũng như các nền kinh tế phát triển đang tương đối tốt trong giai đoạn cuối năm 2023. Khi đó, bản thân giá trị của các cổ phiếu, trái phiếu cũng tăng giá và giá vàng có thể giảm.
Thứ hai, về kinh doanh phát triển, một số nhà đầu tư trước đây trú ẩn ở vàng sẽ bán vàng ra để lấy vốn đầu tư kinh doanh.
Thứ ba, là trong năm 2023, nhiều quốc gia đã mua một lượng vàng rất lớn để dự trữ thay cho đồng USD, nhưng đến năm 2024 này, nhu cầu dự trữ không lớn như vậy nữa.
Riêng với giá vàng trong nước, trước sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, việc thanh kiểm tra với các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng thì hoạt động mua bán vàng thời gian tới sẽ tốt hơn. Đồng thời giá vàng miếng SJC cũng sẽ ổn định và giảm dần về mức khoảng 69 – 70 triệu đồng/lượng, chứ không ở mức cao như trong thời gian vừa qua.