Mới đây, Chủ tịch Fed cho biết sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức 2% mới cắt giảm lãi suất. Điều này đã tác động không nhỏ đến thị trường vàng.
Hôm nay (11/7), giá vàng miếng trong nước vẫn yên ắng khi giá tiếp tục duy trì dưới mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ.
Giá vàng miếng SJC được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank tiếp tục bán ra ở mức giá 76,98 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 74,98- 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang mua vào vàng miếng SJC ở mức 74,98 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Tại hai đơn vị Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Phú Quý hiện đang giao dịch vàng miếng SJC quanh mức 75,5 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Với vàng nhẫn, giá vàng nhẫn SJC 9999 thuộc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) neo ở ở mức 74,6 triệu đồng/lượng mua vào và 76,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng ở cả 2 chiều so với kết phiên hôm trước.
Tại Tập đoàn DOJI, đơn vị niêm yết giá vàng nhẫn 9999 trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức 75,3 và 76,7 triệu đồng/lượng mua vào-bán ra, tăng 150.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán.
Vàng nhẫn thương hiệu PNJ đang mua vào mức 74,3 đồng/lượng và bán ra mức 75,9 triệu đồng/lượng, không đổi so với rạng sáng qua.
Giá nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu được điều chỉnh tăng 160.000 đồng/lượng ở 2 chiều lên lần lượt 75,28 triệu đồng/lượng mua vào và 76,58 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.381.6 USD/ounce, tăng 11,2 USD/ounce so với phiên giao dịch trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị gần 72,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 4,18 triệu đồng/lượng.
Mới đây trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 10/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu: “Chúng tôi không muốn đợi cho đến khi tỷ lệ lạm phát giảm xuống còn 2%. Nếu đợi lâu như vậy, lạm phát có thể sẽ giảm xuống và về dưới mức 2%. Đây là điều mà chúng ta không mong muốn”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng mức 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 tăng 2,6%, gần với mức mục tiêu 2%. Cả hai chỉ số này đều phản ánh tình hình lạm phát của nền kinh tế.
Hầu hết người Mỹ đều khá quen thuộc với chỉ số CPI, nhưng PCE mới là yếu tố quyết định thời điểm Fed cắt giảm lãi suất.
“Chúng tôi xem xét các thước đo khác nhau. Nhưng trong một phần tư thế kỷ, PCE là kim chỉ nam của Fed”, chủ tịch Powell cho biết. “Fed xác định mục tiêu của mình theo PCE vì tin rằng đó là thước đo lạm phát tốt nhất”.