Giá vé quá đắt, khách ‘bỏ chạy’

Đến thời điểm này, nhiều công ty lữ hành đã chốt tour dịp lễ 30/4-1/5, đặc biệt với các tour đi nước ngoài. Trong đó, tỷ lệ đi du lịch outbound tăng mạnh, thường chiếm tới 60-70% cơ cấu tour tại các doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, bà Ngữ Thị Ngần, Tổng giám đốc công ty Hanoi Tourism, cho biết, các tour đi nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc,… đã kín chỗ, công ty còn phải mở thêm booking, xin thêm vé máy bay charter.

Giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, cộng với việc gần 3 năm qua đi loanh quanh trong nước nhiều nên người Việt Nam rất háo hức đi du lịch nước ngoài. Trên thực tế, theo bà Ngần, giá tour nước ngoài cũng tăng khoảng 30%, cá biệt có tour tăng tới 60%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trong nước nhờ các chương trình khuyến mãi, trợ giá riêng. Chẳng hạn, tour đi Phượng Hoàng Cổ trấn có giá 16-17 triệu đồng (dịp lễ) so với 13-14 triệu (ngày thường), hành trình 6 ngày 5 đêm; hay tour đi Bali (Indonesia), Malaysia, Thái Lan,… chi phí tăng khoảng 30-40% nhưng vẫn hợp lý so với mặt bằng chung trước dịch Covid.

Khách Việt tham quan Trương Gia Giới – Thiên Môn Sơn khi Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại (Ảnh: Alibaba Tours)

Trong khi đó, tour nội địa không có nhiều ưu đãi, giá cao hơn hẳn, một phần do giá vé máy bay đắt đỏ. Bà Ngần cho hay, lượng vé khuyến mại ít đi so với thời điểm cuối năm 2021, đầu 2022 đua giảm giá để kích cầu du lịch. Do vậy, đoàn càng đông, giá vé máy bay càng cao vì tỷ lệ vé rẻ phân bổ cho du lịch chỉ được một lượng nhất định.

Đặc biệt, tại điểm đến Phú Quốc, giá vé tăng cao khiến khách hủy cả chương trình du lịch. Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Vina Phú Quốc Travel, nhận xét, không chỉ dịp lễ 30/4-1/5 mà từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, giá vé chặng Hà Nội – Phú Quốc rất đắt đỏ cả trong và cuối tuần. Các đơn vị dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, đều phản hồi rằng nhiều đoàn khách đã chốt xong dịch vụ, nhưng khi hỏi giá vé máy bay, thấy cao hơn cả dịch vụ trọn gói đã lắc đầu “bỏ chạy”.

Ông Huy dẫn chứng, trong khi giá vé bay khứ hồi chặng Hà Nội – Phú Quốc lên tới 6-8 triệu đồng/vé, thì dịch vụ trọn gói thời điểm này năm ngoái chỉ dao động từ 5-6 triệu đồng đã gồm cả vé máy bay. Đấy là giá vé ngày thường, chứ dịp lễ thì “khỏi nói luôn”, ông than thở.

Lượng khách đến Phú Quốc sụt giảm nên Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, các DN du lịch đang chờ cuộc họp tới đây, do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức với sự tham dự của các hãng hàng không, để kiến nghị có giải pháp giảm giá vé máy bay. Ông cho rằng, giá dịch vụ đã xuống rất sâu, không thể giảm nổi sau dịch. Hơn nữa, rất nhiều đơn vị đã chấp nhận bỏ phụ thu 10-30% dịp lễ mà vẫn không có khách.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy cũng thừa nhận, giá vé đoàn theo series booking của hàng không dành cho lữ hành các năm trước vẫn ổn định, giá gần ngang nhau giữa các hãng thì năm nay cũng đắt hơn hẳn.

Giảm cạnh tranh điểm đến

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng, việc giá vé máy bay đắt đỏ khiến giá tour nội địa tăng cao. Sức hấp dẫn của sản phẩm kém đi sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của điểm đến, không chỉ điểm đến trong nước mà cả hình ảnh du lịch Việt Nam so với các nước.

Vé máy bay nội địa một số chặng tại Việt Nam đắt đỏ dịp cao điểm lễ 30/4-1/5 (Ảnh: VNA)

Tại Việt Nam, để được hàng không ưu đãi giảm giá vé, các DN du lịch phải đặt cọc sớm, “ôm” vé với số lượng lớn, nhưng cũng gặp rủi ro nếu thị trường khách không tốt lại phải bán tháo. Do đó, phía lữ hành rất mong giá vé máy bay giữ ổn định, việc giá tăng cao là điều nằm ngoài mong muốn.

Bản thân các DN lữ hành cũng thông cảm với những khó khăn của hàng không nội địa. Như ông Nguyễn Vũ Khắc Huy lý giải, giá vé trong nước tăng cao một phần do các hãng bay nội địa không có nguồn nào khác để hỗ trợ khó khăn, chẳng hạn thiếu nguồn khách cao cấp, điểm đến thì lăm le tăng giá vé tham quan, chính sách visa chưa có nhiều biến chuyển, rồi dịch vụ ăn uống, nhà hàng,… thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm nên cuối cùng khách du lịch phải gánh chịu.

Hơn nữa, ông Nguyễn Công Hoan nhìn nhận, không chỉ Việt Nam mà giá vé máy bay các nước cũng tăng, như từ Việt Nam đến Thái Lan trước chỉ 5-6 triệu nay tăng lên 8-9 triệu đồng, đến Hàn Quốc từ 10 triệu tăng lên 14-15 triệu. Ở đây, hãng hàng không cũng phải tính đến bài toán hiệu quả khi cân nhắc chuyện tăng chuyến, hay làm thế nào để giảm giá vé.

Theo Vietnamnet.vn