Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài tắc nghẽn vì “không ai dám thẩm định giá”

Nguyên nhân lớn khiến giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài bị tắc nghẽn đến từ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thẩm định giá.

Hội nghị với các bộ, ngành T.Ư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/5. Ảnh: Đan Thanh

Ngày 21/5, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành T.Ư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024.

Trong khi đó, theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.

Trong đó, 2 bộ có tỷ lệ giải ngân trên 10% là Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT; 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024. Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15 – 17%.

Thông tin tại hội nghị vừa diễn ra, phía Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2024, bộ này được giao vốn 629 tỉ đồng, trong nửa đầu năm dự kiến giải ngân 0 đồng. Vốn năm 2024 được Bộ GD-ĐT giao duy nhất cho 1 dự án là xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cho Đại học Đà Nẵng.

Cụ thể, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2023, dự án này có vướng mắc chủ yếu về tài sản đảm bảo và ký hợp đồng vay lại nên gần như không giải ngân, phải kéo dài sang năm 2024. Theo báo cáo của chủ đầu tư, có 13 hạng mục công trình, Bộ Xây dựng đã thẩm định được 7 công trình, còn 6 công trình đang thẩm định tiếp, sẽ hoàn thành trong tháng 6 tới. Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 9 mới có khối lượng giải ngân. Trong điều kiện đấu thầu thuận lợi, cả năm nay dự kiến giải ngân được khoảng 350 tỉ đồng, có thể trả lại ngân sách 280 tỉ đồng.

Vướng mắc về thẩm định dự toán là vướng mắc lớn nhất hiện nay. Việc tìm được các nhà thẩm định giá, báo giá hiện khá khó khăn. Thậm chí, họ không dám báo giá nữa. Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ Đại học Đà Nẵng thẩm định sớm 6 dự án còn lại để tiến hành các bước tiếp theo”, đại diện Bộ GD-ĐT nói.

Trong khi đó, theo đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, số vốn giải ngân năm 2024 của Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn chỉ là con số 0 trên tổng vốn được giao là 572,86 tỉ đồng. Trong các tháng cuối năm, đơn vị xây dựng kế hoạch, đã trình và dự kiến từ nay đến cuối năm cố gắng giải ngân khoảng 214 tỉ đồng.

Một trong những nguyên nhân chậm trễ, theo đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đến từ việc quy trình thủ tục liên quan quy định chặt chẽ của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, phải thực hiện nhiều bước thủ tục nhỏ cộng lại, tốn nhiều thời gian.

“Thủ tục vay lại cũng chiếm khoảng thời gian khá lớn. Dự kiến, chúng tôi sẽ xin gia hạn thời gian triển khai dự án”, đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM nói.

Không chỉ ĐHQG TP. HCM, ĐHQG Hà Nội cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Word Bank (Đại học Quốc gia Hà Nội), thông tin năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao kế hoạch vốn là 645,77 tỉ đồng; đến ngày 15/5 vẫn chưa hề giải ngân.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, hiện tại, đơn vị này đã phân bổ, nhập TABMIS xong dự toán vốn. Ban Quản lý dự án World Bank đã nhận được nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024 trên dịch vụ công là 645,77 tỉ đồng.

Trong quá trình sử dụng nguồn vốn này, Đại học Quốc gia Hà Nội đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo yêu cầu từ nhà tài trợ, một số hoạt động cần lấy ý kiến “Không phản đối – NOL” từ nhà tài trợ trước khi triển khai như: kế hoạch tổng thể dự án, kế hoạch hàng năm, sổ tay vận hành dự án, kế hoạch đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn vay nước ngoài, đề cương nhiệm vụ đối với các đơn vị tư vấn đấu thầu…

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, bà Đoàn Thanh Phượng (Vụ Kế hoạch – Tài chính) cũng chia sẻ, vướng mắc của Bộ LĐ-TB-XH trong triển khai dự án chủ yếu do thẩm định giá.

Khó khăn nổi cộm ngay từ năm 2022; năm 2023, bộ đã có nhiều báo cáo về vấn đề này. “Các đơn vị thẩm định giá thiết bị từ chối thẩm định giá. Cả 3 tiểu dự án thành phần đều không thể triển khai được các gói thầu“, bà Phượng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Tài chính, ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, năm 2024 tổng có hơn 30 dự án; 3 trường đại học dự kiến chỉ giải ngân khoảng 40 – 50%. Có 2 bộ là Công thương, LĐ-TB-XH đề nghị hủy dự toán, đồng thời gia hạn hiệp định vay đến năm 2027. Bộ NN-PTNT xin trả lại khoảng 70% vốn đã được Chính phủ giao dự toán.

“Chúng tôi đề nghị các chủ dự án, các bộ chủ quản tiếp tục tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành hợp đồng xây dựng mua sắm để có khối lượng thanh toán. Với tạm ứng, các bộ khẩn trương gửi chứng từ để tạm ứng theo quy định nhằm thúc đẩy giải ngân”, ông Hiển nói.

Theo Nhịp Sống Thị Trường