Giải pháp nào cho mặt bằng cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Bình?

Tỉnh Quảng Bình sẽ cưỡng chế những trường hợp không đồng ý với chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật tại cao tốc Bắc – Nam.

Tại Quảng Bình còn 610m mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam chưa bàn giao. Ảnh: Công Sáng

Còn 610m mặt bằng

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần, với chiều dài 126,43km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố và 35 xã, phường.

Đến nay, chiều dài đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án là 126,82km, đạt 99,51%, hiện còn lại 610m vướng mặt bằng. Chiếm 0,49% đi qua 4 huyện, thị xã.

Theo đó, huyện Quảng Trạch đã bàn giao được 25,29km/25,3km, còn lại 10m. Thị xã Ba Đồn đã bàn giao 9,32km/9,35km; còn lại 35m. Huyện Bố Trạch đã bàn giao được 28,96km/29,04km, còn lại 80m. Đặc biệt, huyện Lệ Thủy đã bàn giao được 31,46 km/31,95 km; chiều dài còn lại 490m.

Mặt bằng cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Bình đoạn huyện Lệ Thủy vẫn còn vướng. Ảnh: Công Sáng

Đại diện Ban quản lý Dự án Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ cho biết, tại huyện Lệ Thủy vẫn còn gần 500m vướng mặt bằng, những điểm này ảnh hướng đến tiến độ của dự án.

“Từ tháng 9, miền Trung bắt đầu vào mùa mưa. Điều này dẫn đến việc thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phần đắp đất. Chúng tôi mong muốn có mặt bằng sạch để thực hiện việc đắp đất trong tháng 8 này” – vị đại diện này nói.

Thực hiện cưỡng chế

Ông Đặng Đại Tình – Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy – cho hay, vẫn còn khoảng 20 hộ gia đình với gần 500m chưa giải phóng mặt bằng. Huyện đang tập trung tổng lực thực hiện theo các phương án cụ thể.

“Đối với một số hộ đang chi trả nhận tiền, chúng tôi chờ tiền của Chính phủ phân bổ về, ngay khi có sẽ thực hiện chi trả tiền cho các hộ. Trường hợp của các hộ này chiếm khoảng 90m mặt bằng” – ông Tình nói.

Việc vướng mặt bằng khiến một số đoạn cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Quảng Bình chưa thực hiện thi công được. Ảnh: Công Sáng

UBND huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền vận động vừa tập trung, vừa cá nhân để các hộ đến nhận tiền. Với các hộ đã vận động ba lần không đồng ý thì sau khi thực hiện đầy đủ các phương án, chế độ chính sách thì huyện đang lên phương án cưỡng chế. Số hộ ở trường hợp này này đang có 249m mặt bằng.

Vừa qua, huyện đã có quyết định cưỡng chế 3 trường hợp, nhưng sau đó bà con đã đồng thuận nhận số tiền còn lại. Nên đối với các hộ còn lại huyện tiếp tục lên phương án cưỡng chế để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng nhanh nhất.

Chính quyền địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân không đồng ý chính sách bồi thường theo quy định. Ảnh: Công Sáng

Công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Lệ Thủy khó khăn hơn bởi địa bàn dài nhất tỉnh, dự án đi qua địa hình đông dân cư nhất với gần 1.000 hộ dân. Cùng với đó, lịch sử đất đai để lại phức tạp, đất đai của các nông lâm trường chuyển về, đất lấn chiếm, tranh chấp, không có nguồn gốc thời điểm sử dụng đất… nên tốn nhiều thời gian để xử lý. Cùng với đó huyện còn vướng điện mặt trời, gần 700 ngôi mộ.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức tập trung thực hiện các phần việc để sớm nhất có thể kịp bàn giao mặt bằng cho dự án” – ông Tình nói.

Huyện Lệ Thủy còn gần 500m mặt bằng chưa được giải phóng. Ảnh: Công Sáng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, về cơ bản, người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án đều rất tích cực, đồng thuận, tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng triển khai. Tuy nhiên, có một số hộ dân trây ỳ, không đồng thuận làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ông Lâm yêu cầu các địa phương ban hành quyết định cưỡng chế và xây dựng phương án bảo vệ thi công đối với các trường hợp không đồng ý với chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Lao Động