Có nhận định cho rằng, giá đất vùng ven TPHCM trong bảng giá đất dự kiến điều chỉnh tăng mạnh, có nơi tăng 50 lần. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã lên tiếng về vấn đề này.
Hai tác động ‘không mong muốn’
Sau cuộc họp báo vào chiều 29/7 để thông tin về dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM vừa tiếp tục giải đáp những thắc mắc của người dân TP liên quan đến công tác này.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, việc điều chỉnh bảng giá đất năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế và giá đất trên địa bàn TP. Đây không phải là bảng giá đất lần đầu áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Sở dĩ phải điều chỉnh vì bảng giá đất năm 2020 đang áp dụng có 3 bất cập chính, đó là: Bị khống chế bởi khung giá đất; chưa cập nhật giá đất tái định cư đã phê duyệt; Luật Đất đai 2024 không quy định phương pháp áp dụng hệ số điều chỉnh để xác định giá đất cụ thể cho các khu đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng.
Về sự khác biệt giữa hai bảng giá đất, theo Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, bảng giá đất năm 2020 áp dụng cho 6 trường hợp, còn bảng giá đất mới sử dụng cho 12 trường hợp. Trong đó, 4 trường hợp tiếp tục áp dụng tương tự Luật Đất đai 2013; 1 trường hợp áp dụng gần như tương tự; và 7 trường hợp áp dụng hoàn toàn mới so với luật cũ.
7 trường hợp áp dụng mới hoàn toàn là: Tính tiền thuê đất hàng năm; tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất; tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá khởi điểm để đấu giá đất; tính tiền sử dụng đất khi không phải đấu giá; và tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư.
Đối với giá đất điều chỉnh, Sở TN-MT TPHCM cho biết đã lấy từ 2 cơ sở dữ liệu chính, đó là giá đất cụ thể đã được cơ quan chức năng phê duyệt và giá đất giao dịch thành công trên thị trường, do cơ quan thuế và các văn phòng đăng ký đất đai cung cấp. Trên cơ sở dữ liệu này, đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ kết quả điều tra và điều chỉnh.
Về tác động của việc điều chỉnh bảng giá đất, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho rằng có hai tác động “không mong muốn”.
Thứ nhất, những hộ dân khi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, điều này đảm bảo sự công bằng với những người phải đi nhận chuyển nhượng đất ở với giá thị trường, có thể cao hơn bảng giá đất.
Thứ hai, bảng giá đất điều chỉnh tăng phổ biến từ 3-7 lần so với bảng giá đất hiện hành, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn giá thị trường.
Ngược lại, bảng giá đất điều chỉnh sẽ có nhiều tác động tích cực, như: Có lợi cho người bị thu hồi đất; Nhà nước tăng nguồn thu từ đất; không còn tình trạng mua bán nhà đất hai giá; khơi thông các dự án đầu tư công; giảm thời gian khi xác định giá đất cụ thể; giảm vi phạm về đất đai do tăng mức phạt…
Giá đất sau điều chỉnh có tăng 50 lần?
Về tác động cụ thể của bảng giá đất điều chỉnh, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, người được bố trí tái định cư sẽ xác định được ngay giá đất của nền đất tái định cư theo bảng giá đất. Điều này tạo ra sự công khai, minh bạch và công bằng đối với việc thu hồi đất và bố trí tái định cư.
Nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng chính khi áp dụng bảng giá đất mới là hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong đó, đối với các trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, mức thu và tỷ lệ thu tiền sử dụng đất sẽ căn cứ vào thời điểm sử dụng đất. Có 6 trường hợp không phải đóng tiền sử dụng đất và 4 trường hợp đóng tiền sử dụng đất theo tỷ lệ căn cứ thời điểm sử dụng đất.
Nhiều ý kiến cho rằng bảng giá đất mới sẽ tác động lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bởi khi giá đất đầu vào cao thì giá bán sản phẩm cũng tăng cao, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM khẳng định việc điều chỉnh bảng giá đất không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản.
Lý do, tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản được xác định theo phương pháp thặng dư. Kết quả xác định giá đất sẽ khác với giá đất tại bảng giá đất điều chỉnh, vì chi phí của dự án đã được hạch toán vào giá đất.
“Việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh không làm tăng giá bán sản phẩm bất động sản trên thị trường. Mặt khác, giá bất động sản vận hành theo quy luật cung – cầu, do đó giá bán sẽ do thị trường quyết định”, lãnh đạo Sở TN-MT chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, giá đất dự kiến điều chỉnh tại các huyện ngoại thành có mức tăng mạnh hơn so với nội thành, có nơi tăng 50 lần. Liệu điều này có khiến cho giá đất nông nghiệp ngoại thành tăng mạnh theo?
Theo ông Thắng, các huyện ngoại thành TPHCM là những nơi có nhiều dự án đầu tư công đang thực hiện, trong đó có nhiều dự án hạ tầng giao thông làm tăng giá trị quyền sử dụng đất của người dân. Thực tế, giá đất tính bồi thường tại các dự án này là giá đất cụ thể, tức giá thị trường, và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Về nhận định giá đất tăng 50 lần tại huyện Hóc Môn, theo Giám đốc Sở TN-MT, qua kiểm tra thực tế, giá đất được nêu có vị trí tại đường Song hành Quốc lộ 22. Giá đất theo bảng giá đất năm 2020 là 780.000 đồng/m2. Đây chưa phải là giá đất thị trường mà phải nhân với hệ số sử dụng đất, kết quả cho ra 3,5 triệu đồng/m2.
Tại thời điểm tháng 12/2023, UBND huyện Hóc Môn đã duyệt giá bồi thường 39.576.000 đồng/m2 cho vị trí đất tại đường Song hành Quốc lộ 22 và nhận được sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi. Do đó, bảng giá đất điều chỉnh cập nhật mức giá trên là phù hợp, không thể so sánh tăng 50 lần.