Với Hội An đặc biệt là khu phố cổ, đã có nhiều giải pháp được triển khai để giảm tải cho khu vực, mở rộng dư địa về các vùng ven để cân bằng du lịch cho các điểm đến.
Với Hội An nơi được ví là “vùng lõi” của du lịch Quảng Nam, đã ghi nhận sự trở lại của ngành du lịch khi đón hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan và lưu trú trong năm 2023. Dù lượng khách vẫn chưa quay trở lại đông đúc như thời điểm trước dịch bệnh, tuy nhiên tín hiệu hiện nay đã khả quan và phần lớn các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, phần lớn khách du lịch đến với Hội An sẽ tập trung vào di sản văn hóa thế giới là Khu phố cổ. Theo ghi nhận, giai đoạn cao điểm trước dịch bệnh khu vực này có thể đón trên 10.000 khách du lịch tham quan, cùng với đó là 3.000 cư dân sinh sống trong hơn 1km2.
Vì vậy, thời gian qua địa phương này cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để giảm tải cho Khu phố cổ để bảo tồn di sản văn hóa thế giới. Với Hội An, địa phương này còn có hệ thống làng nghề, biển, đảo,… có thể xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới, đặc sắc để phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay thời gian tới thành phố sẽ triển khai phát triển khu dịch vụ du lịch tại khu vực phường Cẩm An để phục vụ du khách. Theo ông Sơn, tại đây sẽ có các dịch vụ mua sắm, giải trí, sản phẩm kinh tế đêm,… để giảm tải cho khu phố cổ.
“Phố cổ đã khá chật nên việc giảm tải là cần thiết. Cùng với đó, thành phố cũng đã xác định dùng nhiều khu đất thương mại dịch vụ để làm tiểu lâm viên nhằm tạo “khoảng thở” cho khu phố cổ”, ông Sơn cho biết.
Để giảm tải cho Khu phố cổ, bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Hội An Express cho rằng khu vực phường Cẩm An có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm mới. Cụ thể, vị này cho rằng khu vực vẫn còn cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành, các đơn vị kinh doanh biển, nhiều điểm tham quan, cơ sở lưu trú, nhà hàng, bar/club đầy đủ.
Theo vị này, khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tự nhiên trong lành và đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương về các chính sách phát triển du lịch biển. Cùng với đó là có đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ cả khách nội địa và nước ngoài, có cộng đồng người nước ngoài và từ các địa phương khác có nhiều kinh nghiệm, ý tưởng khai thác du lịch nên đã có nhiều sản phẩm đặc sắc, thu hút được du khách.
“Tuy nhiên, hiện nay khu vực vẫn chưa đồng bộ trong các điều kiện hướng về du lịch xanh (rác, giảm thiểu dùng đồ nhựa, etc), chưa có các hoạt động thể thao biển chỉnh chu. Vì vậy, địa phương nên đề xuất tỉnh xem xét sớm quy hoạch và triển khai lại hoạt động thể thao biển. Đồng thời, duy trì các hoạt động chợ phiên, duy tu các mô hình tái chế, bổ sung thùng rác công cộng có phân loại rác và vận động hoạt động kéo lưới rùng thường xuyên để du khách có thể ngắm hoặc tham gia được cùng với người dân”, bà Quế Anh đề xuất.
Tương tự, ông Lê Quốc Việt – Giám đốc Santa Sea Villa cũng đề xuất hình thành một sản phẩm mới gắn kết các làng nghề tại Hội An. Theo ông Việt, có thể hình thành nhiều sản phẩm dọc biển và dòng sông Cổ Cò để gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch, giảm tải cho Khu phố cổ.
“Doanh nghiệp có thể xây dựng sản phẩm du lịch trên sông Cổ Cò với các sản phẩm như chèo thuyền, ngắm cảnh, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch biển… gắn kết 3 làng tại vùng ven tại điểm đến kinh tế đêm cho Hội An mà ít ảnh hưởng nhất đến dân cư. Từ đây sẽ tăng sức hấp dẫn của du lịch biển vào mùa mưa, mùa thấp điểm, tạo cú hích cho chuỗi du lịch dọc sông Cổ Cò và tạo thêm sinh kế cho người dân”, ông Việt nói.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 72/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng các quy hoạch liên quan.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch… Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương, là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, Quảng Nam sẽ phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, giữ vai trò chủ đạo. Trong đó, khai thác không gian thiên nhiên – văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người xứ Quảng. Trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe…