Trao đổi với Tạp chí Hải quan, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 là giải pháp cần thiết để vừa kích cầu tiêu dùng trong nước, hạ giá sản phẩm, vừa giảm được chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ cho các DN tiếp tục quá trình phục hồi và phát triển tốt hơn.
Thưa ông, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế GTGT trong nửa đầu năm 2024 đối với một số loại hàng hoá. Xin cho biết đánh giá của ông về đề xuất này của Bộ Tài chính?
Như chúng ta đã biết, tình hình thế giới hiện vẫn diễn biến rất phức tạp. Lạm phát đã giảm nhưng chưa như mong muốn, lãi suất vẫn cao, sự hồi phục của kinh tế thế giới vẫn rất chậm. Điều này đã tác động tới XNK và hoạt động của kinh tế Việt Nam, theo đó, hoạt động XNK vẫn còn nhiều khó khăn do giao thương quốc tế vẫn giảm sút so với các năm trước.
Năm 2023, nền kinh tế của chúng ta gặp nhiều khó khăn do đơn hàng XK sụt giảm đáng kể, trong khi đó tiêu dùng trong nước tăng trưởng không như mong muốn dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 là giải pháp cần thiết để vừa kích cầu tiêu dùng trong nước, hạ giá sản phẩm, vừa giảm được chỉ số giá tiêu dùng đồng thời hỗ trợ cho các DN tiếp tục quá trình phục hồi và phát triển tốt hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như sản xuất kinh doanh của DN đang hết sức khó khăn hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT bắt đầu từ ngay từ ngày 1/1/2024, ngay sau khi kết thúc chính sách giảm thuế GTGT của năm 2023, là điều rất hợp lý.
Theo ông, khi chính sách này được thực thi trong thực tế sẽ tác động như thế nào tới DN, người dân và nền kinh tế?
Như tôi đã nói, việc giảm thuế GTGT trước hết sẽ tác động tích cực đối với người tiêu dùng, giá cả hàng hoá trên thị trường sẽ giảm, tác động làm mặt bằng giá cả chung sẽ giảm khoảng 1,7%.
Bên cạnh người tiêu dùng thì lực lượng sản xuất cũng được lợi cả hai đầu. Theo đó, giá đầu vào nguyên vật liệu sản xuất sẽ giảm đi, chi phí sử dụng vốn cũng giảm từ đó làm cho giá thành sản xuất giảm, DN có thêm lợi nhuận hoặc có thêm nguồn lực giảm giá bán cũng như thực hiện các chương trình khuyến mãi. Đây là những động thái có thể thúc đẩy tiêu dùng. Sản phẩm sản xuất ra quay vòng nhanh thì DN rất có lợi. Rõ ràng, việc giảm thuế sẽ tác động giảm thu ngân sách nhưng chúng ta đã thực hiện được kích cầu tiêu dùng cũng như giúp các DN có thể hồi phục tốt hơn thông qua việc giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp DN có lợi nhuận tốt hơn. Một điều quan trọng không kém là việc giảm giá có thể giúp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. Đơn cử, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, giá hàng hoá trên thị trường giảm đi giúp chỉ số giá tiêu dùng giảm qua đó giúp kiểm soát lạm phát một cách tốt nhất, trên cơ sở đó tạo ổn định cho kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện tăng trưởng cho nền kinh tế. Như vậy, có thể nói, việc giảm thuế GTGT là chính sách đa mục tiêu, tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung.
Việc giảm thuế sẽ tác động nhất định tới thu ngân sách. Vậy theo ông, ngành Tài chính cần có giải pháp gì để bù đắp các khoản hụt thu, đảm bảo thu ngân sách đạt dự toán để ra?
Việc đầu tiên quan trọng nhất là phải đẩy mạnh số hoá trong lĩnh vực tài chính để giảm thiểu thời gian, chi phí, công sức quản lý, giám sát. Đây là giải pháp quan trọng nhất để giúp ngành Tài chính, ngành Thuế có thể thực hiện thu ngân sách một các đơn giản, nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, phải thực hiện tốt hơn quá trình số hoá lĩnh vực tài chính, trong đó có lĩnh vực thuế, cụ thể là áp dụng hoá đơn điện tử. Hoá đơn điện tử có kết nối thu chi của các DN với cơ quan thuế, qua đó hoạt động của DN được công khai minh bạch, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các bộ thuế, hải quan với DN.
Cùng với việc số hoá, tôi cũng cho rằng, cơ quan Thuế, Hải quan cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN để họ quản lý tài chính tốt hơn, đây là mục tiêu cao hơn của an ninh kinh tế. Tức là, cơ quan quản lý làm sao để hỗ trợ DN quản lý tài chính của DN tốt hơn, để có doanh thu, có lợi nhuận. Khi hỗ trợ được cho DN như vậy thì cơ quan quản lý cũng nắm được tình hình tài chính của DN, theo đó ngăn chặn tình trạng trốn, tránh thuế. Đây là những điều ngành Tài chính cần lưu ý trong thời gian tới để hỗ trợ DN, qua đó nuôi dưỡng, củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Xin cảm ơn ông!