Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đón trên 2,2 triệu lượt khách quốc tế, riêng TPHCM đón hơn 2 triệu lượt. Tuy nhiên, nếu so sánh với một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia khi lần lượt đón trên 7,56 triệu, 3,74 triệu và 4,5 triệu lượt sẽ thấy tốc độ phục hồi du lịch của Việt Nam còn chậm.
“Gọt” tour cho phù hợp thời hạn visa
Du khách các nước Mỹ, Pháp, Australia… luôn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử, ẩm thực. Các dòng khách trung lưu từ nhiều nước khác cũng chọn Việt Nam là điểm đến du lịch và đều có mức chi tiêu cao, tổng chi khoảng 200 USD/người.
Đây là số ngoại tệ không nhỏ trong bối cảnh nhiều ngành nghề khác đang nỗ lực xoay xở vượt khó khăn để mang ngoại tệ về cho đất nước. Thế nhưng, những thuận lợi này lại đang bị “thắt cổ chai” ở thủ tục cấp visa cho du khách.
Trong danh sách 25 nước được miễn visa vào Việt Nam thì chỉ Panama và Chile có số ngày lưu trú lên tới 90; kế đến các nước Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Indonesia, Kyrgyzstan được 30 ngày. Riêng các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển… chỉ được 15 ngày.
Bà Josephine Barry, 60 tuổi (du khách đến từ Pháp) chia sẻ, vẻ đẹp sông nước TPHCM nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung rất hấp dẫn. Gia đình bà rất thích các món đồ thủ công mỹ nghệ nhỏ xinh làm từ thân dừa, vỏ sò, lục bình… “Chúng tôi muốn đi chơi 30 ngày để tìm hiểu trọn vẹn vẻ đẹp nơi mình đến, nhưng chính sách miễn visa chỉ cho phép lưu trú 15 ngày. Muốn ở lại phải đóng thêm phí khoảng 40 USD. Số tiền này không nhiều, nhưng chúng tôi cảm thấy không thoải mái”, bà Josephine Barry tâm sự.
Dẫn chứng về sự bất cập của chính sách visa, ông Nguyễn Ngọc Toản, Tổng Giám đốc Công ty Image Travel & Events – chuyên đón khách châu Âu, cho biết, do chính sách miễn visa nhiều nước châu Âu chỉ 15 ngày nên công ty phải hạn chế phần lớn sản phẩm tour quá thời gian này tại Việt Nam.
Trong khi đó, số đông khách hưu trí cho rằng họ phải dành ít nhất 18-20 ngày mới có thể thăm thú hết Việt Nam với lộ trình đi miền núi phía Bắc gồm cụm Hà Nội – Hạ Long – Ninh Bình đến cụm Huế – Hội An, rồi vào TPHCM, miền Tây Nam bộ. Nói tóm lại, các đơn vị kinh doanh du lịch đang phải “gọt” tour cho phù hợp với thời hạn visa của du khách.
“Chưa kể, trong đoàn có nhiều khách đến từ các quốc gia khác nhau, thời gian được miễn visa khác nhau nên thường xảy ra tâm lý khó chịu vì người này phải chờ đợi người khác”, ông Nguyễn Ngọc Toản nói thêm.
Trước dịch Covid-19, Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới khi làm việc với nhiều cơ quan quản lý du lịch Việt Nam đã nhận định, nếu Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách làm visa thì sẽ tăng thêm khoảng 10% lượt khách quốc tế so với hiện hữu, tương ứng với mức doanh thu khoảng 100 triệu USD.
Con số này cao hơn nhiều so với số tiền 17 triệu USD giảm từ việc miễn visa (phí làm visa) cho khách. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi gấp 3 lần nguồn thu phục vụ các du khách này từ các dịch vụ liên quan như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại…
Nâng hạn miễn visa, thúc đẩy quảng bá
Để tháo “nút thắt” visa và để ngành du lịch tăng sức cạnh tranh với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, kiến nghị, hệ thống phê duyệt e-visa (thị thực điện tử) nên rút ngắn thời gian trong vòng 24 giờ; kích hoạt quy trình xét duyệt nhân sự trước khi nhập cảnh bằng cơ chế visa-on-arrival (thị thực xin nhập cảnh lấy ở sân bay); các công ty lữ hành uy tín được chỉ định bảo lãnh cho khách vào Việt Nam và kết nối hệ thống nộp hồ sơ qua mạng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần mở rộng visa miễn phí cho nhiều quốc tịch có hệ số an toàn cao như các nước Bắc Âu, châu Âu, Australia…
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Toản đề xuất, cần miễn visa 1 tháng nhiều lần cho các quốc gia phát triển vốn có nguồn khách chất lượng. Khách đến từ các nước phát triển như Tây Âu… thường du lịch dài ngày và là xu hướng hiện nay. Tiếp đến là cấp và thu phí visa 3 tháng nhiều lần với thủ tục đơn giản hóa, nhằm thu hút nhóm khách về hưu, nghỉ dưỡng dài ngày tránh mùa đông châu Âu và sử dụng dịch vụ du lịch tại nhà dân, du lịch cộng đồng trải rộng khắp Việt Nam. Visa 3 tháng cũng tận dụng lượng sinh viên thực tập châu Âu, châu Mỹ rất yêu thích Việt Nam, mở rộng hình ảnh Việt Nam đến thế giới thông qua các trí thức trẻ.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, danh sách miễn visa cho 25 nước của Việt Nam chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Singapore (miễn cho 157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (60 nước). Nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Mỹ có khách du lịch chất lượng cao, đi dài ngày và chi tiêu cao chưa nằm trong diện miễn thị thực…
Do vậy, ngày 25-11 vừa qua, Sở Du lịch đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND TPHCM về tình hình phục hồi ngành du lịch và kiến nghị một số nội dung với Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Thông tin từ Tổng cục Du lịch Thái Lan, công dân các quốc gia và vùng lãnh thổ được nước này miễn thị thực 30 ngày (trong đó có Việt Nam) sẽ kéo dài thêm 15 ngày; với các nước được miễn 15 ngày sẽ được nâng lên 30 ngày. Nếu quá số ngày nêu trên mới phải xin visa. Chính sách này được áp dụng trong 6 tháng kể từ ngày 1-10-2022 đến 31-3-2023. Đối với Hàn Quốc, công dân đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia có cùng thời gian lưu trú tối đa miễn visa 90 ngày… |
Kiến nghị nâng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày TPHCM kiến nghị các bộ ngành cần nghiên cứu mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương; nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch các thị trường xa. Có thể nghiên cứu áp dụng chính sách “thị thực đặc biệt trong một giai đoạn nhất định” nhằm thúc đẩy khách quốc tế đến Việt Nam ở các thời điểm cần thiết. Kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các doanh nghiệp du lịch và đối tác có thể xây dựng kế hoạch khai thác thị trường dài hạn; đồng thời có chủ trương nghiên cứu mở rộng diện cấp thị thực điện tử đến các quốc gia có khả năng và điều kiện sẵn sàng… |
Theo ĐTTCO