Gỡ vướng trong tiếp cận tài chính xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế cho thấy, những thiệt hại do thiên tai gây ra đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua, chiếm khoảng 1,5% GDP hằng năm. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững – Ảnh: ITN

Khi đó, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công.

Tuy vậy, dù đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nay nhưng quy mô của tài chính xanh còn khiêm tốn. Tính đến 30/9/2024, mới có khoảng 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và chủ yếu tập trung ở một số ngành như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). Ngoài ra, quy mô phát hành trái phiếu bền vững của Việt Nam giai đoạn 2021-2024 dao động từ 75 – 250 triệu USD. Con số này còn khá khiêm tốn so với tổng giá trị phát hành 250 tỷ USD của các quốc gia khu vực ASEAN+3.

Đáng nói, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng lại gặp nhiều thách thức khi tiếp cận tài chính xanh. Ông Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty Tái chế rác Lagom Việt Nam cho biết, trong hành trình 5 năm khởi nghiệp trong lĩng vực thu gom và tái chế rác thải nhựa, doanh nghiệp của ông đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiếp cận vốn để phát triển công nghệ và hoàn thiện ý tưởng liên quan đến những dự án xanh.

Các định chế tài chính lớn thường yêu cầu nhiều tiêu chí khắt khe, trong khi nguồn vốn cho vay tối thiểu lại quá lớn so với nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cung cấp các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường, bao gồm các dự án quy mô nhỏ, nhưng yêu cầu hồ sơ cũng tương đương như với các dự án lớn và yêu cầu tài sản thế chấp để bảo đảm. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Các doanh nghiệp Việt đang gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – Ảnh: ITN

Với các tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại, việc tiếp cận tín dụng xanh cũng không hề dễ dàng với doanh nghiệp. Theo ông Thông, các ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… vì các lĩnh vực này có tiềm năng rõ ràng và hiệu quả thu hồi vốn cao. Với các dự án thuộc lĩnh vực khác, đặc biệt là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Điều này gây ra rào cản lớn cho những doanh nghiệp đang triển khai sáng kiến mới nhưng chưa thể chứng minh hiệu quả đầu tư một cách rõ ràng trong thời gian ngắn.

“Chính vì những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm đến các khoản vay thương mại, thay vì vay theo ưu đãi xanh. Một số doanh nghiệp như Lagom, đã quyết định từ bỏ tín dụng xanh và chuyển sang tìm kiếm nguồn vốn từ các cổ đông cá nhân”, ông Thông trăn trở.

Trước thực trạng đó, ông Lê Trung Thông đề xuất, Chính phủ cần có các quỹ khởi nghiệp sáng tạo, quỹ khởi nghiệp xanh cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn dưới hình thức tài trợ có điều kiện, tạo động lực tài chính cho họ trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, quỹ này cần ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ khi họ có ý tưởng hay và các dự án mang tính sáng tạo cao. Đồng thời, cần có dịch vụ công để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình triển khai các dự án xanh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn.

Có thể thấy việc thiếu các cơ chế linh hoạt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến họ khó có cơ hội đóng góp tích cực vào các mục tiêu xanh của quốc gia. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về các giải pháp tài chính phù hợp hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong tương lai.

Đề xuất giải pháp, TS Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam cũng đã bước đầu hình thành được những khung khổ chính sách nhất định về tài chính xanh, tín dụng xanh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng xanh, hiện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Danh mục phân loại xanh – Bộ tiêu chí môi trường cho các dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Bên cạnh đó, chuyên gia này đề xuất, doanh nghiệp nếu đầu tư vào các dự án có mục đích bảo vệ môi trường như xử lý chất thải, thu gom và xử lý chất thải hoặc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển các ngành kinh tế mang lại lợi ích cho môi trường như nông nghiệp xanh, giao thông xanh… có thể tiếp cận với các kênh tín dụng từ các ngân hàng thương mại như BIDV, VietinBank, HSBC… vốn đã cung cấp tín dụng xanh ở Việt Nam.

“Hiện nay rất nhiều địa phương đã bắt đầu phát hành trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đang tổng hợp tất cả các nhu cầu phát hành trái phiếu xanh của các bộ, ngành và địa phương, với kỳ vọng trong thời gian tới sẽ phát hành một gói trái phiếu xanh Chính phủ”, TS Lại Văn Mạnh cho hay.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp