Gojek bất ngờ rút khỏi Việt Nam

Gojek – nền tảng gọi xe và giao đồ ăn có trụ sở tại Indonesia – vừa thông báo quyết định đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam kể từ ngày 16/9 tới. Việc rút khỏi thị trường Việt Nam là một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của công ty tại các thị trường chính là Indonesia và Singapore.

Trong một thông báo, Công ty Gojek cho biết quyết định trên phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của Công ty mẹ, Tập đoàn GoTo, công ty công nghệ lớn nhất tại Indonesia để phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn

“Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đóng góp và là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành,” Đại diện Gojek cho hay.

Ứng dụng đa dịch vụ Go-Viet (sau đổi tên thành Gojek) đã chính thức ra mắt tại Hà Nội vào ngày 12/9/2018, sau gần hai tháng kể từ thời điểm có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Lễ ra mắt Go-Viet có sự tham dự của Tổng thống Indonesia, ngài Joko Widodo.

Gojek sẽ rút khỏi Việt Nam từ giữa tháng 9.

Tại thời điểm ra mắt, ông Nguyễn Vũ Đức, Tổng Giám đốc Go-Viet cho hay, đơn vị này được thành lập với đội ngũ là những người Việt trẻ. Go-Viet là đối tác chiến lược của Go-Jek (Indonesia), được hãng cung cấp công nghệ và tài chính.

Go-Viet cung cấp dịch vụ gọi xe hai bánh theo yêu cầu (Go-Bike) và dịch vụ giao hàng (Go-Send) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng 4 tháng sau khi ra mắt, Go-Viet sẽ phát triển Go-Car (nền tảng gọi xe ô tô), Go-Food (gọi đồ ăn) và Go-Pay (ví điện tử)…

Còn theo ông Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek, Go-Viet là công nghệ được phát triển riêng cho thị trường Việt Nam. Việc ra mắt Go-Viet là mốc lịch sử với doanh nghiệp đến từ Indonesia trong tiến trình phát triển ra nước ngoài của Go-Jek.

Sau khi chính thức hoạt động, Gojek đã nhanh chóng phá thế độc quyền của Grab, trở thành một thế lực cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng nhanh, gọi đồ ăn.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 6 tháng sau khi ra mắt, Go-Viet ra thông báo xác nhận ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh không còn là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc phụ trách phát triển của công ty. Cả hai sau khi từ chức sẽ trở thành cố vấn cho Go-Viet, Go-Jek và vẫn tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Người chèo lái mới của Go-Viet là ông Phùng Tuấn Đức.

Tháng 8/2020, GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam, màu sắc thương hiệu cũng đồng nhất với công ty mẹ ở Indonesia. Tại thời điểm đó, Gojek công bố đã có hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Người dùng cũng có thể truy cập ứng dụng Gojek ở tất cả các quốc gia mà Gojek có hoạt động, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Trong năm 2021, khi hệ sinh thái Gojek chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, đội ngũ Gojek liên tục có xáo trộn và cũng đã làm việc không ngừng nghỉ để đưa ra các sáng kiến giúp cải thiện cuộc sống cho các đối tác và người dùng, như giúp các nhà hàng chuyển đổi sang bán nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách, đào tạo và đưa các nhà hàng nhỏ và rất nhỏ lên nền tảng GoFood để họ có nguồn doanh thu mới, thiết kế gói hỗ trợ bằng tiền mặt 4,15 tỷ đồng cho các đối tác tài xế, tặng người dùng các chuyến đi miễn phí khi tiêm vaccine.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại TP HCM vào tháng 8/2021, Gojek đã gấp rút ra mắt GoCar để vận chuyển miễn phí các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, ưu tiên triển khai dòng sản phẩm GoCar Protect có mức bảo vệ về an toàn sức khỏe cao nhất.

Như vậy, sau Sau Baemin, đến lượt Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam, nhường thị phần cho Grab, doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay ở Việt Nam trong lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn nhanh.

theo Báo Tiền Phong